(CMO) Nắng nóng kéo dài, gió mạnh trong những ngày qua làm cho tất cả diện tích rừng tràm của tỉnh bước vào giai đoạn khô hạn, rừng dự báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm đã lên đến con số hơn 23 ngàn héc ta. Nếu như nắng nóng tiếp tục trong 1 tháng nữa thì nguy cơ thiếu nước chữa cháy rừng là có thể xảy ra. Đến với rừng tràm vào những ngày cao điểm của mùa khô này, chúng ta mới thấy hết được ý thức phòng, chống cháy của người dân được nâng cao, họ giữ rừng như giữ tài sản, như giữ cho nhà mình khỏi cháy.
Thực tế từ những vụ cháy trước đây cho thấy, ngoài nguyên nhân do sét đánh, phần lớn là do con người tác động, như đốt đất làm rẫy, khai thác mật ong, săn bắt động vật hoang dã. Do đó, nâng cao vai trò tự bảo vệ, cảnh giác của người dân trong phòng, chống cháy và bảo vệ rừng là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên và trọng tâm trong thời gian qua. Các đơn vị quản lý rừng đưa nội dung phòng cháy và chữa cháy rừng vào các cuộc họp trên địa bàn ấp, xã với sự tham dự của người dân; Tổ chức ký với các chủ hộ gia đình cam kết thực hiện các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng trong mùa khô. “Người dân đã có ý thức bảo vệ rừng. Có những hộ có rừng đã đến chu kỳ khai thác, có hộ thì trồng đã vài năm, quyền lợi người dân cao nên ý thức cao. 3 năm trở lại đây địa bàn ấp không xảy ra vụ cháy nào. Người dân phòng, chống cháy rừng như phòng, chống cháy nhà”, ông Trần Bình Long, Trưởng Ấp 16, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nói.
Ông Nguyễn Văn Suôl kết hợp thăm rừng với khai thác cá đồng trong mùa khô. |
Với ý thức “Nước xa khó chữa lửa gần” nên đã qua, chính quyền xã Khánh Thuận, đơn vị có diện tích rừng hơn 9.800 ha đã chuẩn bị và đưa xuống địa bàn 11 tổ xung kích chữa cháy với nhiều máy công suất lớn sẵn sàng ứng phó khi cháy xảy ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân trên đất lâm phần đề cao cảnh giác phòng cháy và chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ được thực hiện thường xuyên và liên tục. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận Hồ Tương Lai cho biết: “Các chủ rừng lớn thì có phương tiện lớn chữa cháy các hộ dân cũng có phương tiện thô sơ để phòng cháy, trực 24/24 với phương châm 4 tại chỗ. Địa phương đã phối hợp với kiểm lâm tuyên truyền người dân có ý thức cũng như phản ứng nhanh khi cháy xảy ra. Những lúc cao điểm chúng tôi dùng loa di động nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng cũng như hướng dẫn người dân xử trí khi có cháy xảy ra”.
Phát quang bụi rậm, bờ thửa, trồng chuối tạo thành đường băng xanh cản lửa. Từng hộ dân được khuyến cáo đi kiểm tra rừng mỗi ngày để đảm bảo không có đối tượng lạ mặt vào rừng, không còn vật liệu dễ bén lửa ở những nơi có nhiều khả năng xảy ra cháy. Việc phát dọn chướng ngại vật tại các kênh mương cũng có ý nghĩa tích cực trong việc tuần tra và vận chuyển các trang thiết bị dễ dàng hơn nếu như có cháy xảy ra. Bên cạnh ý thức phòng, chống cháy rừng theo chủ trương chung của Nhà nước, do hiện nay giá trị cây tràm ngày càng cao, lợi nhuận từ rừng ngày càng lớn đã làm tăng ý thức phòng, chống cháy và bảo vệ rừng của người dân trong lâm phần. Họ xem rừng là tài sản của mình, bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản, sự sống của họ. “Ngày nào tôi cũng vào thăm rừng để bảo vệ tài sản của mình. Dọn cây xung quanh, bờ kênh vét lên cho sạch, kết hợp với bảo vệ không cho người xấu vào rừng trộm ong, trộm cá. Khi đi mang theo dụng cụ dọn dẹp, sẵn tiện bắt cá cải thiện thu nhập luôn”, ông Nguyễn Văn Suôl, Ấp 16, xã Khánh Thuận, cho biết.
Giá trị kinh tế cây rừng cao nên một số hộ đã trồng thêm rừng trên diện tích đất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp thì gắn liền với nhà cửa, tài sản của họ nên hiện nay nếu cháy rừng xảy ra sẽ lan đến mgôi nhà của họ. Trước diễn biến thời tiết bất lợi như hiện nay, ngoài việc được trang bị các thiết bị chữa cháy hiện đại, một số người dân ở xã Khánh Thuận đã chọn giải pháp tự trang bị cho mình những công cụ chữa cháy, mặc dù thô sơ nhưng đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ trong điều kiện thiếu nước, góp phần giữ vững màu xanh cho đất rừng, cho ngôi nhà của mình./.
Huỳnh Ngọc