(CMO) Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện U Minh luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả.
Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh Đinh Cộng Hoà cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; là quyền lợi của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động.
Qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện U Minh đã đào tạo được 5.128 lao động, trong đó nghề nông nghiệp 2.646 lao động, nghề phi nông nghiệp 2.482 lao động. Số lao động được hỗ trợ tiền ăn theo đề án là 1.693 người, trong đó con đẻ người có công với cách mạng 195, người thuộc hộ nghèo 1.020, người thuộc hộ cận nghèo 80, người dân tộc thiểu số 385, người khuyết tật 9, người bị thu hồi đất canh tác, đất kinh doanh 4 người.
Việc đào tạo nghề chủ yếu dựa trên cơ cấu ngành nghề theo quy hoạch của địa phương, đáp ứng theo nhu cầu của người học. Số người được đào tạo trình độ sơ cấp là 2.184 người, số người được đào tạo nghề dưới 3 tháng là 2.964 người.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho lao động nông thôn. |
Trong thời gian nêu trên, huyện đã triển khai 85 mô hình (trong đó 68 mô hình nông nghiệp và 17 mô hình phi nông nghiệp) và 3 mô hình điển hình, đã hỗ trợ kinh phí trên 32 triệu đồng và lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Ông Đinh Cộng Hoà thông tin thêm: "Trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả như: nghề nuôi cá bống tượng thương phẩm, nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nghề nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nghề nuôi cua biển, nghề trồng nấm… Có hơn 5.600 lao động nông thôn tham gia học nghề. Hầu hết những người tham gia đều có đất canh tác nên họ đã có sẵn kinh nghiệm, cộng với kiến thức đã học họ áp dụng trên phần đất của mình mang lại hiệu quả, tăng thu nhập gia đình, cải thiện cuộc sống".
Ông Nguyễn Văn Út, Ấp 6, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: "Thời gian qua, tôi tham gia nhiều lớp tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với trồng lúa do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức. Nắm bắt được kỹ thuật, tôi áp dụng nuôi cua, tôm và trồng lúa trên hơn 2 ha đất sản xuất của gia đình, mỗi năm trừ chi phí còn lãi trên 120 triệu đồng".
Đối với nghề phi nông nghiệp như may dân dụng, nữ công gia chánh, đan đát…, để tạo công ăn việc làm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình cho người lao động, sau mỗi khoá học, địa phương kết hợp thành lập các tổ dịch vụ phục vụ tại địa phương như tổ may gia công, nhóm phục vụ đám tiệc, tổ đan giỏ nhựa...
Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH còn tư vấn cho người học tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau tổ chức. Đối với những hộ học nghề xong có những mô hình làm ăn như nuôi tôm sú, nuôi tôm càng xanh, nuôi cua biển được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Đinh Cộng Hoà cho biết thêm: "Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới huyện U Minh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới"./.
Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, địa bàn huyện U Minh có trên 7.000 người tham gia học nghề, trên 80% học viên có việc làm ổn định; góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề 25,1% (cuối năm 2019). Công tác đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2014 xuống 10,47% (giảm bình quân 2,62%/năm); giai đoạn 2015-2019 giảm 17,85% (giảm bình quân 4,46%/năm). |
Trọng Nguyễn