(CMO) Từ đầu năm đến nay, TP Cà Mau đã ra quân trên 1.500 cuộc kiểm tra tình hình trật tự, mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè với hơn 3.000 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp. Để quản lý tốt tình trạng mua bán chiếm lòng đường, vỉa hè, UBND TP Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh về việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Kiến nghị này hầu hết được các sở, ngành đồng tình.
Theo ý kiến Sở Tư pháp, việc Chủ tịch UBND TP Cà Mau đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau là cần thiết, có cơ sở pháp lý, phù hợp với nội dung và thẩm quyền của HĐND tỉnh được quy định tại khoản 3, Điều 2, Thông tư số 85/2019/TT-BTC, ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8, TP Cà Mau. |
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Thành Huấn cho rằng, việc ban hành nghị quyết về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau là cần thiết nhằm phục vụ việc quản lý, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố có nền nếp, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Về đề xuất bổ sung các tuyến đường ngoài danh mục quy hoạch sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1024/QĐ-UBND, ngày 17/7/2015, hiện nay đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo quy định tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, ngày 3/9/2013, của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, ngày 24/2/2010, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch đề nghị Sở Tư pháp lấy ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư để được góp ý làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh.
Phó giám đốc Sở Tài chính Dương Hữu Tảng cho biết, đối với phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được quy định tại khoản 3, Điều 2, Thông tư số 85/2019/TT-BTC, ngày 29/11/2019, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây thuộc danh mục phí thuộc thẩm quyền quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn việc áp dụng loại phí nêu trên như thế nào. Do đó, việc trình Thường trực HĐND tỉnh xin chủ trương ban hành nghị quyết quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo ý kiến của Sở Xây dựng, việc ban hành nghị quyết về phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP Cà Mau là cần thiết nhằm mục đích quản lý việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đảm bảo mỹ quan đô thị, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc sử dụng lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông phải tuân thủ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, ngày 3/9/2013, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số ll/2010/NĐ-CP, ngày 24/02/2010, của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngày 17/7/2015, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1024/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông trong khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2023. Đến nay, nhiều tuyến đường mới đưa vào sử dụng có nhu cầu sử dụng vào mục kinh doanh, để phù hợp với thực tế cần phải điều chỉnh Quyết định số 1024/QĐ-UBND của UBND tỉnh, bổ sung các tuyến đường mới vào quy hoạch sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để quản lý theo quy định.
Tuy nhiên, trước đó, tại Công văn số 2668/UBND-TH, ngày 7/4/2017, của Chủ tịch UBND tỉnh về việc không thông qua tờ trình và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo đó, thành viên UBND tỉnh thống nhất chưa trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo nghị quyết phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau, với lý do: tính khả thi chưa cao vì có thể xảy ra tình trạng hợp thức hoá để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Mức thu thấp nhưng phát sinh thêm nhiều vấn đề phải xử lý như thủ tục hành chính, quản lý vệ sinh môi trường đô thị nơi cho thuê...
Thiết nghĩ, thay vì mỗi năm Nhà nước tốn số tiền không nhỏ để ra quân lập lại trật tự đô thị do các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, họp chợ, để xe, tập kết vật liệu xây dựng…, thì việc thu phí được tiến hành với mục đích lớn nhất là lập lại trật tự và xây dựng văn minh đô thị./.
Khánh Duy