(CMO) Nói đến người bó chổi dừa nổi tiếng ở ấp Chủ Mía, xã Khánh Hải, một trong những cái nôi của nghề này ở huyện Trần Văn Thời, ai ai cũng nhắc đến bà Ba Điền. Gặp bà Ba vào một buổi sáng sớm, dù đến không hẹn trước nhưng vẫn thấy hình ảnh những cây chổi dừa vừa được bó xong được sắp xếp ngay ngắn. Gần bước sang cái tuổi 70, ngày ngày, bà con trong xóm vẫn bắt gặp dáng bà lão đầu tóc bạc trắng, mắt còn tinh, ngồi gần gốc cây vú sữa tẩn mẩn tạo hình cho những cọng dừa quê hương.
Bà Ba Điền tên thật là Tạ Thị Hừng, quê gốc ở tận Năm Căn, còn quê nhà thì ở xã Khánh Bình Tây. Tuy nghề bó chổi dừa không phải xuất phát từ quê hương, nhưng cũng như những cô gái nơi làng quê, tuổi 17, 18, cô gái Thị Hừng đã biết thêu gối, may bợ, đốn củi, giỏi chuyện bếp núc và chuyện bó chổi rơm, chổi ráng cũng không làm khó được người con gái giỏi giang, khéo tay, sáng dạ này. 19 tuổi đời, cái tuổi phơi phới của đời con gái, Tạ Thị Hừng xa cha xa mẹ về làm vợ, làm dâu ở vùng đất Khánh Hải.
Hình ảnh những bà lão tỉ mỉ vót từng cọng dừa đã trở nên quen thuộc. |
Bà Ba Điền tâm sự: “Tôi làm nghề này từ khi cây chổi có giá chỉ 2.000 đồng, rồi lên 3.000, dần dà được giá 15.000 đồng như bây giờ. Hồi xưa, đâu yên tâm sống với nghề này như hôm nay. Nhà cửa thưa thớt, lâu lâu mới bán được cây chổi. Nhưng khó khăn cỡ nào tôi cũng quen ngồi bó mỗi ngày, không làm buồn lắm. Không bó thì đi dọn vườn, đốn lá gom vô nhà ngồi vót. Ông chồng tôi không biết bó thì phụ vót”.
Không chỉ biết nghề bó chổi dừa mà còn duy trì tới 3 thế hệ ở xứ này là nhà bà Mười Ca. Con dâu bà Mười, bà Nguyễn Kim Pha, năm nay cũng đã tròn 66 tuổi, bộc bạch: “Bà già chồng tôi trước 2 năm mất còn ngồi bó chổi, còn tôi cũng làm nhiều năm lắm. Nhớ hồi đó bà con mình hay cho lá dừa, chớ ít ai bán. Tôi và đứa con chạy xuồng đi chở lá dừa khẳm xuồng. Vót một đợt cả mấy trăm bó, làm không kịp, mướn mấy đứa nhỏ ở xóm vót một bó 500 đồng. Giờ, mắt bị bệnh nên không còn làm nữa. Các con thì còn làm nhưng cũng chủ yếu là bó thuê cho người ta”.
Nhắc đến nghề bó chổi dừa, bà Pha không giấu được niềm tiếc nuối. Bà bảo, giờ người người làm chổi dừa nên không bán chạy như xưa. Nhiều năm về trước, người làm nghề đếm trên đầu ngón tay, bà bó chổi dừa mấy chục cây xong là chở bán luôn. Chạy một vòng quanh ấp là bán hết. Còn giờ, ở xứ này chỉ có bà Ba Điền làm nhiều, những hộ khác đa phần nhận bó chổi thuê.
Mặt hàng chổi dừa Khánh Hải được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. |
Đơn sơ, mộc mạc tựa như chốn làng quê, nghề bó chổi dừa tuy không cao xa nhưng bao nhiêu năm qua cùng với những đồng lúa trĩu vàng đã đổi lấy chén cơm, manh áo, con chữ cho bao thế hệ lớn lên nơi thôn quê này. Ví như lời chia sẻ chân tình của bà Ba Điền: “Nhờ có nghề này mà mình trang trải cuộc sống. Cháu nghĩ coi, ở quê này, làm gì bây giờ, làm thuê theo mùa cũng có được bao nhiêu, làm xa thì bỏ gia đình cũng không ổn. Gia đình tôi nhờ có thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng từ bó chổi dừa mà lo được tiền điện, nước mắm, nước màu, đám tiệc, những cái lặt vặt, còn tiền lời từ chục công đất ruộng thì để dành”. Cứ thế, bà ba Điền và nhiều lão nông quê nhà vẫn kiên trì gìn giữ từng gốc dừa dù thời cuộc biến đổi ra sao. Với họ, cây dừa đâu đơn thuần là sinh kế./.
Ngọc Minh