(CMO) Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức sự kiện truyền thông tìm hiểu về xuất khẩu lao động năm 2019 cho nhiều xã trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, tỉnh Cà Mau đặt ra chỉ tiêu sẽ đưa 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng đến thời điểm này chỉ có 250 lao động đi làm việc nước ngoài, không đạt chỉ tiêu đề ra.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Từ Hoàng Ân cho biết: “Do thiếu kiến thức về xuất khẩu lao động nên người dân chưa mặn mà với lao động xuất khẩu, họ còn e ngại để con em mình có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Nhưng độ tuổi lao động thì ngày càng tăng, đặc biệt ở vùng nông thôn xảy ra tình trạng thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn, mở nhiều hướng giải quyết việc làm, nhất là với thanh niên trong tuổi lao động.
Để người dân, nhất là các xã vùng sâu là những xã nghèo ven biển, hiểu hết được quyền lợi và nghĩa vụ của người đi lao động, làm việc nước ngoài, Hội LHPN tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức sự kiện truyền thông tìm hiểu về xuất khẩu lao động ở 11 xã đặc biệt khó khăn của 6 huyện: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và U Minh.
Người lao động ở các xã khó khăn vùng ven biển tham gia trả lời trắc nghiệm và xử lý tình huống về những kiến thức xuất khẩu lao động. |
Trưởng ban Hỗ trợ phát triển kinh tế (Hội LHPN tỉnh Cà Mau) Tiêu Việt Tiên cho biết: “Sự kiện này giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống về thị trường lao động nước ngoài. Từ đó, mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký đi làm việc nước ngoài, cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Truyền thông tìm hiểu về xuất khẩu lao động được tổ chức bằng hình thức cho người dân trong địa bàn xã chia đội thi trắc nghiệm và trả lời câu hỏi về những kiến thức xuất khẩu lao động, như việc hỗ trợ vay vốn, các khoản bảo hiểm được tham gia, quyền và nghĩa vụ khi đi lao động…
Tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi có 7 đội thi đấu với 35 thí sinh tham gia. Qua cuộc thi mọi người được cung cấp nhiều thông tin bổ ích về thị trường lao động nước ngoài. Anh Trần Công Danh, ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, cho biết: “Lúc trước tôi rất ngại cho con mình đi làm việc ở nước ngoài vì sợ rủi ro, bị lợi dụng sức lao động… Qua công tác tuyên truyền, nay tôi đã hiểu, con trai tôi đang trong độ tuổi lao động, sắp tới tôi sẽ lên xã đăng ký để làm hồ sơ cho con đi xuất khẩu lao động tới Nhật Bản”.
Theo thống kê, địa phương có lao động đăng ký đi làm việc nước ngoài cao nhất là huyện Trần Văn Thời và Nhật Bản là nước được người lao động chọn đi nhiều nhất. Các huyện ít nhất là các huyện vùng xa, như Ngọc Hiển, Năm Căn... vì kiến thức đi lao động nước ngoài của họ còn hạn chế nên công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài tuyên truyền như phát tờ rơi, trên loa truyền thanh, tổ chức các sự kiện truyền thông tuyên truyền trực tiếp tại các xã, huyện… để mọi người hiểu về quyền lợi khi lao động làm việc ở nước ngoài thì còn chờ vào sự lan toả thông tin tích cực của nhóm đi trước để người dân thấy được hiệu quả./.
Võ Phương Thảo