(CMO) Năm 2015, Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, chuẩn nghèo mới được xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, toàn tỉnh Cà Mau có 29.537 hộ nghèo, chiếm 9,94%, tăng gấp 2,02 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều đầu năm 2015. Được sự chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (bình quân giảm 1,5%/năm). Cuối năm 2019, toàn tỉnh có 7.699 hộ nghèo, chiếm 2,52% (trừ số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội còn 2,32%); bình quân giảm 1,9%/năm, tương đương giảm khoảng 5.400 hộ/năm.
“Khúc mức” của công tác giảm nghèo
Mặc dù tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, nhưng xem ra việc thoát nghèo của bà Nguyễn Thị Hai (65 tuổi, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) còn lắm chông chênh. Chông chênh bởi ngoài căn nhà được cấp trong khu tái định cư đã xuống cấp, bên trong không còn tài sản nào có giá trị. Mọi sinh hoạt của bà Hai phụ thuộc vào tiền con trai đi làm công nhân ngoài tỉnh gửi về. “Tháng nào con trai tôi làm được nhiều thì nó gửi hơn 1 triệu đồng, tháng nào không làm thì không gửi về. Tranh thủ buổi sáng trời mát tôi lượm ve chai, 10 ngày bán 1 lần được vài chục ngàn đồng mua bột ngọt, nước mắm”, bà Nguyễn Thị Hai chia sẻ.
Cũng tại khu tái định cư ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, hơn 14 năm sống trong căn nhà tình thương, vợ chồng ông Hồ Văn Bỉ (64 tuổi) vẫn không có điều kiện tu sửa. Mái tol cũ không chỉ dột vào mùa mưa mà nóng hầm hập vào mùa nắng. Ông Bỉ nói vui “vợ chồng tôi thuộc diện hộ nghèo bền vững, nên ước mơ có tiền lợp lại mái nhà chỉ là mơ ước”. Bền vững, bởi ông bị mù cả hai mắt, sống bằng nghề mò ốc móng tay, vợ ông thì ráp lưới thuê, con gái 15 tuổi chưa xin vào làm việc ở công ty nên cũng là gánh nặng của gia đình. Với mức trợ cấp khuyết tật mỗi tháng 540.000 đồng, trong khi từ Tết đến giờ ông chỉ đi mò ốc móng tay được 7 ngày, nên cảnh nhà luôn thiếu trước hụt sau.
Cách đó mấy căn, bà Thạch Thị Thương (62 tuổi) vừa đi lượm ve chai về tới. Bà bảo tranh thủ đi từ sớm, trời còn mát chứ lúc rày nắng nóng quá, không thể lội bộ ngoài đường nổi. Sống một mình trong căn nhà được Nhà nước trợ cấp, nhưng bà đã bán cho người ta để lấy tiền trị bệnh cho chồng. Chồng mất, bà cũng mất luôn khả năng mua lại căn nhà, nên giờ mỗi tháng bà phải trả cho chủ nhà 100.000 đồng tiền thuê.
Bà Nguyễn Thị Hai, 65 tuổi, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân lượm chai lọ vừa kiếm thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường. |
Đây là 2 trong những hộ nghèo khá “bền vững” của ấp ven biển như Gò Công. Trong 433 nóc gia của ấp có 42 hộ đi Bình Dương (trong đó hơn chục hộ đi cả gia đình), 28 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí khẳng định chắc nịch, năm 2020 sẽ thoát nghèo cho 10 hộ, với phương án chính vẫn là động viên bà con cách thức làm ăn. Và cũng theo vị trưởng ấp này, với bà Thạch Thị Thương sẽ được cho vay 10 triệu đồng để mua khô đi Bình Dương, TP Hồ Chí Minh bán.
Những băn khoăn trong “đa chiều”
Giai đoạn 2016-2020, phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều được sử dụng không chỉ để giám sát mà còn để xác định đối tượng thụ hưởng của các chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, phương pháp này tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo. Đây là nền tảng quan trọng để các địa phương trong tỉnh thực hiện bền vững các chính sách giảm nghèo. Bởi trước đây, nhiều hộ gia đình có thu nhập hay chỉ tiêu bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo, nhưng lại không tiếp cận được với nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, dịch vụ khám chữa bệnh, không được tiếp cận thông tin cũng được xác định là nghèo.
Hiện nay, xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tác động toàn diện hơn đến người nghèo, giúp họ đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo, phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Chí Thanh phân tích, phương pháp này còn những điểm chưa hợp lý ở cách tính điểm ở chuẩn nghèo đa chiều dựa trên tình trạng tài sản, điều kiện sống của hộ gia đình để quy ra mức thu nhập, từ đó xác định hộ nghèo. Điều này làm một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, không nỗ lực thoát nghèo. Một số trường hợp có điều kiện nhưng không muốn mua sắm tài sản trong gia đình như tivi, xe máy… để vẫn được xếp vào diện hộ nghèo.
Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành cho rằng, hạn chế vẫn là việc xác định tài sản hiện hữu trong gia đình, vì hầu hết tài sản trong gia đình hộ dân nông thôn, nhất là hộ nghèo và khó khăn là được người thân tặng, cho hoặc mua giá rẻ, nên việc xác định họ có tài sản cũng gây phản ứng của các hộ dân. Hơn nữa, việc xác định đất đai gây một số khó khăn nhất định, vì chỉ xác định hộ dân có quản lý hoặc sử dụng đất nhưng không xác định hiệu quả mang lại, cũng như đã mang đi cầm cố, thế chấp./.
Năm 2011, tỉnh Cà Mau có 35.451 hộ nghèo, chiếm 12,14%, sau 6 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo đồng bộ giúp 35.181 hộ thoát nghèo, bên cạnh đó phát sinh mới 11.413 hộ nghèo. Giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,14% (đầu năm 2011) xuống còn 3,56% (cuối năm 2015), bình quân giảm 1,8%/năm. Giai đoạn 2016-2019, hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,94% (đầu năm 2016) xuống còn 2,52% (cuối năm 2019), bình quân giảm 1,9%/năm; đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 1,5%/năm. |
Thanh Phương
Bài cuối: Giải pháp giảm nghèo bền vững