Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.
- Hành trình của khát vọng và hành động
- Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Dân tin, dân mới đến
Ông Nguyễn Tiến Hải nêu vấn đề trực diện: “Ðại biểu, cơ quan dân cử có khi nào tự hỏi, vì sao vai trò của mình đôi lúc mờ nhạt quá, chưa được người dân ghi nhận, tin cậy? Ðó là vì đại biểu và cơ quan dân cử chưa làm hết, làm tròn phận sự của mình”.
Dẫn ra thực tế, một số cuộc tiếp xúc cử tri có ít cử tri đến dự, hoặc khi thành phần, số lượng cử tri đa phần là cán bộ, đảng viên, hội viên, cử tri là người dân thì thưa thớt, ông Hải chỉ ra rằng: “Không phải cử tri không có thông tin về các cuộc tiếp xúc, mà vấn đề nằm ở uy tín, tiếng nói, vai trò, đóng góp thực sự của đại biểu, của cơ quan dân cử chưa đủ sức thuyết phục người dân đến”.
“Dân tin, dân mới đến”, đó là mục tiêu, nhiệm vụ mà HÐND các cấp ở Cà Mau nỗ lực đạt được. Bà Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh, cho biết: “Hội nghị tiếp xúc cử tri đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng tăng số lượng điểm tiếp xúc cử tri, giảm số đại biểu tiếp xúc ở mỗi điểm; đa dạng hoá thành phần tham dự, nhằm tiếp xúc được nhiều cử tri và lắng nghe được nhiều ý kiến kiến nghị, phản ánh của cử tri hơn. Ðại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND 2 cấp, hoặc 3 cấp một số nơi cùng phối hợp tiếp xúc cử tri tại một điểm nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả”.
Cử tri ngày càng tin cậy vào cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, để gởi gắm những ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Cử tri xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nêu ý kiến tại một cuộc tiếp xúc cử tri của HÐND tỉnh).
Việc bố trí mời lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND và địa phương, cơ sở tham gia tiếp xúc cử tri hoặc trực đường dây nóng, giúp đại biểu giải đáp kịp thời những ý kiến cử tri đặt ra, giảm số lượng ý kiến phải tiếp thu, tổng hợp. Ðáng chú ý, một số địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, kịp thời lắng nghe, giải đáp, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri.
“Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Những vụ việc phức tạp, thường trực HÐND chỉ đạo các ban HÐND tổ chức khảo sát thực tế, làm cơ sở kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết và thường xuyên đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm trả lời, giải quyết”, bà Nhung thông tin thêm.
Chuyện về nghị quyết 23
Trong vai trò Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải từng lưu ý: “Những vấn đề cử tri còn trăn trở, kiến nghị nhiều lần, cần phải lắng nghe, tiếp thu thấu đáo; không dừng lại đó, phải có giải pháp, hành động để tháo gỡ, phải thể hiện kết quả rõ ràng, cụ thể trên thực tế”. Thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Tiến Hải đã phát hiện ra vấn đề trăn trở, vướng mắc trong tâm tư của đội ngũ cán bộ làm công tác không chuyên trách ở cơ sở về chế độ, chính sách đãi ngộ.
Nhận ra đây là trở lực trong thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà ở cấp gần dân, trực tiếp với dân nhất, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển chung của tỉnh nhà, ông Hải đã thẳng thắn nêu ý kiến: “Ði tới đâu cũng nghe anh em cán bộ không chuyên trách ở cơ sở kêu khó. HÐND tỉnh đã có nghị quyết về đối tượng này (Nghị quyết số 25/2019/NQ-HÐND về Quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau), nhưng cần phải điều chỉnh để sát hơn, động viên, hỗ trợ nhiều hơn cho anh em”.
Ngay sau đó, dự thảo nghị quyết liên quan đến chế độ, đãi ngộ cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở đã được triển khai xây dựng với sự cẩn trọng, đúng quy định, quy trình thông qua nhiều hình thức: từ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh; hội nghị phản biện xã hội; hội nghị lấy ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và Hội Luật gia tỉnh; các huyện, thành phố tổng hợp ý kiến từ cơ sở gởi về...
Nghị quyết 23 đã mang lại nguồn năng lượng tích cực cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tại Cà Mau. (Ảnh: Ðội ngũ không chuyên trách tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân luôn sâu sát với đời sống Nhân dân).
Trở lại với thời điểm nghị trường Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề, diễn ra vào ngày 10/10/2023), HÐND tỉnh Cà Mau khoá X đồng loạt vỗ tay khi Nghị quyết số 23 “Quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau” được thông qua, không khí phấn khởi bao trùm. Mà vui mừng hơn hết chính là gần 3.900 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở trong toàn tỉnh.
Nghị quyết 23 đã bắt đúng và trúng những băn khoăn, tác động tích cực đến đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trong đó, mừng nhất là đối tượng này được hưởng phụ cấp gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chế độ kiêm nhiệm. Ðặc biệt, ở ấp, khóm, các chức danh phó trưởng ấp, khóm, phó trưởng ban công tác Mặt trận, bí thư chi đoàn và các chi hội trưởng đã có quy định mức hỗ trợ cụ thể hằng tháng (0,6 mức lương cơ sở).
Bà Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch HÐND huyện Phú Tân (thời điểm phỏng vấn - PV), chia sẻ: “Nghị quyết 23 ra đời thể hiện sự kịp thời, trách nhiệm của cơ quan dân cử trước những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, cụ thể ở đây là đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Từ đó, đội ngũ hoạt động ở cơ sở hăng hái hơn, tâm huyết hơn, hiệu quả hoạt động vì thế được nâng lên rõ rệt”.
Hội nghị tiếp xúc cử tri nhiều cấp HÐND để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả. (HÐND 2 cấp tỉnh và huyện tiếp xúc cử tri tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân).
Ngay thời điểm Nghị quyết 23 được ban hành (chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2024), chúng tôi đã ghi lại được sự phấn khởi của ông Nguyễn Minh Lắm, Bí thư Chi bộ Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, đối tượng trực tiếp thụ hưởng: “Nghị quyết 23 thật sự mang lại nguồn cổ vũ, động viên rất lớn. Theo nghị quyết này, bản thân tôi được nhận chế độ phụ cấp theo trình độ đại học, tức gần gấp đôi so với trước”.
Còn ở thời điểm hiện tại, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tại Cà Mau với năng lượng tích cực từ Nghị quyết 23 đang hăng hái, trách nhiệm, ra sức đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; trở thành cầu nối giữa Nhân dân với cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, thông qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Ðây cũng là câu chuyện với những gợi mở hữu ích đối với công việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của các cấp HÐND ở Cà Mau nói riêng, của cơ quan dân cử nói chung./.
Phạm Hải Nguyên
Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách