(CMO) Sáng ngày 12/6, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có buổi giám sát về tình hình đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Cà Mau, đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh có 211 HTX và 2 Quỹ tín dụng Nhân dân với 4.019 thành viên, tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 4.150 người, tổng số vốn điều lệ đăng ký trên 267 tỷ đồng. Trong đó có 189 HTX đang hoạt động và 24 HTX ngừng hoạt động đang làm thủ tục giải thể.
Tình hình kinh tế hợp tác, HTX đang tiếp tục có bước phát triển đúng hướng, HTX hỗ trợ khá tích cực cho kinh tế hộ thành viên, đáp ứng một phần nhu cầu hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh trong cộng đồng dân cư, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài mục tiêu kinh tế, HTX còn là cầu nối tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy những mô hình sản xuất kinh doanh mới, hiệu quả kinh tế cao theo mô hình sản xuất lớn hàng hóa, phát huy thế mạnh kinh tế địa phương.
Nhiều ý kiến đóng góp về tình hình đổi mới, phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh
Tuy có chuyển biến nhất định và những điểm sáng, nhưng nhìn chung, KTTT của tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu tổng thể, HTX chưa thoát khỏi hẳn tình trạng yếu kém kéo dài; tốc độ tăng trưởng về số lượng và chất lượng từ khi thi hành Luật HTX 2012, nhất là từ năm 2017 đến nay phát triển tích cực hơn, nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GRDP của tỉnh còn thấp (khoảng 2,5 %), thu nhập bình quân của thành viên và người lao động cũng ở mức xấp xỉ thu nhập bình quân/đầu người trong tỉnh. Thực tế cho thấy KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm so với mục tiêu đề ra và so với nhiều địa phương trong cả nước, chưa tương xứng với tiền năng, lợi thế của tỉnh.
Quy mô HTX còn quá nhỏ (bình quân 17 thành viên/HTX); chưa có mô hình sản xuất hàng hóa có quy mô lớn; chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa ổn định; năng lực cán bộ quản trị, điều hành hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác quản lý tài chính, sổ sách hạch toán chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu kinh nghiệm trong liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt thấp, số HTX hoạt động yếu kém và giải thể còn nhiều. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ, chậm được cụ thể hóa thành chính sách riêng của tỉnh, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với thực tiễn...
HTX Thuận Điền, xã An Xuyên, Tp. Cà Mau sau gần 2 năm đi vào hoạt động đến nay đã ổn định và ngày càng phát triển
Tại buổi làm việc đại diện một số HTX nêu lên khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, không có đất để xây trụ sở, vay vốn ngân hàng thì đòi có tài sản thế chấp nhưng đa phần HTX thuê đất nên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
Chủ tịch Liên minh HTX Đỗ Văn Sơ kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HTX 2012 để tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX, đồng thời ban hành các chính sách đồng bộ, thông thoáng đi đôi tăng cường pháp chế, bố trí nguồn lực để thực hiện. Ban chỉ đạo xây đựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh lần thứ XVI cần phải đưa vào Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTTT để xây dựng và triển khai Đề án phát triển HTX, tạo sự đột phá trong phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Kết thúc buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát HĐND tỉnh Trần Ngọc Diệp ghi nhận những kiến nghị và sẽ báo cáo lên cấp trên để đưa ra hướng giải quyết./.
Hồng Phượng