ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-10-24 18:33:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Nhớ ngày đi tập kết

Báo Cà Mau Tôi gia nhập đơn vị địa phương quân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu, chưa tròn năm thì Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Ðông Dương được ký kết. Ðơn vị tôi cùng đơn vị địa phương quân huyện An Biên và một bộ phận tân binh học viên Trường Quân sự Tỉnh đội Bạc Liêu hợp thành một đại đội biên chế trong Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, thuộc miền Tây Nam Bộ, để chuẩn bị tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ðây là bức tượng trong cụm công trình Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc” tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tái hiện hình ảnh cuộc tiễn đưa đầy xúc động 70 năm trước. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ðây là bức tượng trong cụm công trình Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc” tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tái hiện hình ảnh cuộc tiễn đưa đầy xúc động 70 năm trước. Ảnh: HỒNG NHUNG

Cuối tháng 10/1954, Ðại đội về đóng quân ở rạch Bà Bèo, thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước bây giờ. Hằng ngày, ngoài học tập, luyện quân, còn thời gian chủ yếu đi đắp đường, bồi lộ, bắc lại cầu, sửa sang lại nhà dân bị hư... để lại cho đồng bào trước khi “tạm biệt hai năm” rồi sẽ trở về. Ngày học tập, công tác, đêm liên hoan văn nghệ với đồng bào, nhất là thanh - thiếu niên hoặc dạy bình dân học vụ cho bà con. Tình đoàn kết quân dân càng đậm đà, thắm thiết. Nghĩ đến ngày chia tay, lòng dân cũng như lòng quân, ai ai cũng bồi hồi xao xuyến.

Thấm thoắt rồi ngày lên đường của đơn vị cũng đến. Ðêm liên hoan tiễn đưa thật là cảm động, không sao tả hết. Ðêm trung tuần tháng 12 dương lịch, nhằm đêm trăng sáng của tháng 11 năm Giáp Ngọ ấy, đông đảo bà con trong ấp, cả trong xã kéo đến chật sân trên miếng ruộng giữa xóm. Hầu như nhà ai cũng đều có mặt. Sau lời chia tay đầy thân thiết và xúc động của đồng chí chỉ huy đơn vị, lần lượt cán bộ địa phương rồi đại diện cho cán bộ phụ lão, hội mẹ, phụ nữ, thanh niên... ai cũng nói lên nỗi niềm lưu luyến, bùi ngùi khi phải chia tay, nhưng vẫn tin tưởng ở ngày tổng tuyển cử 2 năm nữa sẽ gặp lại trong ngày vui chung của dân tộc. Ðêm đã khuya, trăng ngả dài về hướng Tây, nhưng những lời nhắn nhủ, yêu thương gởi gắm cho nhau của kẻ ở người đi tưởng chừng như chẳng dứt được...

Sáng hôm sau, Ðại đội tập hợp hành quân trong đội hình tiểu đoàn, bà con trong xóm lại đến gần như đông đủ. Nhiều mẹ, nhiều chị, cả các chú nông dân, đem xôi, bánh tét, bánh lá dừa, thuốc hút, gởi theo bộ đội.

Ðơn vị hành quân bộ, nhiều mẹ, chị và thanh - thiếu niên đi theo, tiễn đưa đến tận đầu kênh xáng Phụng Hiệp, quân dân nắm tay nhau không muốn rời, mắt ai cũng đều ứa lệ.

Ðơn vị hành quân từ kênh xáng Phụng Hiệp đến Chợ Hội, xuống Huyện Sử để ra bến tập kết Chắc Băng. Dọc theo đường hành quân, đồng bào đều biết là bộ đội đi tập kết nên ai cũng vẫy tay, vẫy khăn, nón để tiễn biệt. Các em thiếu nhi thì từng đoàn chạy theo bộ đội một khoảng xa. Chúng tôi vừa phấn khởi vừa cảm động, nghĩ đến mai đây đối phương trở lại, đồng bào sẽ sống thế nào!

*

Ðơn vị hành quân đến bến tập kết khoảng 3 giờ chiều ngày 17/12/1954. Ðây là một khoảng đất rộng độ bằng 2 sân bóng đá nằm trên bờ vàm kênh xáng Chắc Băng. Mặt sông là nơi tàu và xuồng ghe đậu một dọc dài, còn 3 mặt là những dãy nhà lá nối nhau để cho cơ quan chỉ huy bến tập kết làm việc và cho bộ đội trước khi lên đường (chỉ một đêm) cùng người thân đến chia tay, tạm trú.

Trên khoảng sân rộng là bãi chiếu bóng và sân khấu biểu diễn văn nghệ, cũng là nơi tập hợp bộ đội để xuống tàu. Xung quanh bến và xa hơn một chút dọc hai bên bờ kênh xáng là băng, khẩu hiệu, panô, áp phích, cờ Tổ quốc, cờ hoà bình rợp trời. Tại bến tập kết Chắc Băng lúc nào không khí cũng rộn ràng, tấp nập; dưới sông thì xuồng ghe ken dày, trên bờ lúc nào cũng có người đông đúc đi lại. Ðó là bộ đội, cán bộ dân chánh và người thân từ khắp các tỉnh, thành Nam Bộ đến chia tay, đưa tiễn. Ðêm nào cũng có chiếu phim và văn công biểu diễn tới khuya, nhưng mọi người đến đây gần như ai cũng không ngủ. Người sắp tập kết ra miền Bắc và người ở lại miền Nam tụ họp nhau mỗi nơi một nhóm, chỗ trong nhà, chỗ ngoài sân, có khi nơi lùm cây... với trà lá, bánh trái hoặc là lai rai ly rượu. Họ nói chuyện tâm tình cho tới khi mặt trời lên vẫn còn tiếp tục, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, câu chuyện của họ dường như không dứt!

Ðúng 1 giờ chiều ngày hôm sau (18/12), sau một đêm và một buổi giã từ và tiễn biệt, tiểu đoàn cùng các đơn vị bạn tập hợp trên sân trước cột cờ lớn để chuẩn bị xuống tàu (ở bến tập kết Chắc Băng, nhiều tàu nhỏ của Pháp đến đưa bộ đội và cán bộ ta ra tới Vũng Tàu rồi mới qua tàu Liên Xô đi ra miền Bắc). Những người đi đưa tiễn cũng tập hợp chỉnh tề để tiễn đưa, có nhiều người cầm cờ đỏ sao vàng và cờ hoà bình. Trong giờ phút tiễn biệt trang trọng này, mặc dù không ai nói lời nào, trong lòng mỗi người ai nấy cũng thấy xao xuyến bồi hồi, có nhiều người đôi mắt rưng rưng.

Sau khi người chỉ huy thay mặt bộ đội và những người đi tập kết nói lời tạm biệt ngắn gọn với đồng bào, đồng chí và người thân tràn đầy xúc động, những người ra đi xếp hai hàng dọc đều bước xuống tàu giữa rừng cờ vẫy gọi, giữa tiếng hò reo. “Hai năm sẽ gặp! Hai năm sẽ gặp!”. Mỗi người chúng tôi lòng dạ bâng khuâng, nhất tề đưa 2 ngón tay lên cao biểu thị 2 năm sẽ trở về... Ðoàn tàu chạy khuất xa rồi mà chúng tôi vẫn còn nghe tiếng vọng của những người đưa tiễn!

Mấy mươi năm đã trôi qua, đất nước, quê hương làm nên những chiến tích lịch sử diệu kỳ. Phần riêng mình, tôi cũng đã đi đến nhiều miền Tổ quốc và có những kỷ niệm khó quên, nhưng ấn tượng sâu sắc trong những ngày đồng bào nơi đóng quân đưa tiễn, và ngày cùng đồng đội xuống tàu đi tập kết ra miền Bắc cuối năm 1954 vẫn in đậm trong tôi!

 

Nguyễn Hoe

 

“Nhắn ai luôn giữ câu nguyền…”

Tôi muốn mượn lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao cùng viết lời) để kể câu chuyện về những người phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước chia cắt sau Hiệp định Giơnevơ mà phận đời của họ gắn liền sự kiện tập kết năm 1954, với sự hy sinh âm thầm và tấm lòng sắt son, chung thuỷ.

Tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại huyện Thới Bình - Tiếp lửa truyền thống

Xác định hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) có ý nghĩa và tầm vóc hết sức to lớn, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thới Bình phấn khởi, vinh dự và tự hào là 1 trong 2 điểm diễn ra sự kiện này của tỉnh Cà Mau. Với quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể cấp huyện, các xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các hoạt động theo kế hoạch của sự kiện.

Tổ chức các hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (15/10), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Cà Mau long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm của thanh niên Cà Mau thực hiện các công trình, phần việc nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 và chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Cà Mau lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029. 

Tự hào “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định số 1962/QÐ-UBND, ngày 8/10/2024, xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”. Di tích toạ lạc tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Tại nơi đây, trong những ngày tập kết năm 1954, đã diễn ra sự kiện lịch sử xúc động, thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ.

Khảo sát chuẩn bị chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (13/10), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng ekip trực tiếp Đài Truyền hình Việt Nam có chuyến khảo sát công tác chuẩn bị chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Ngày sinh tập thể

Có những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thực ra nó không hề nhỏ chút nào. Nó luôn còn đâu đó trong cuộc đời của rất nhiều người, là một dấu ấn nằm trong một lát cắt lịch sử không những của cá nhân một người mà còn trong lịch sử nước nhà, không thể nào quên.

70 năm sâu nặng nghĩa tình

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hoá với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dự và phát biểu chỉ đạo.

Sâu nặng tấm lòng với Bác Hồ, với miền Bắc

Ở Minh Hải, nay là Cà Mau - Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoe, bí danh Bảy Hoe, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Minh Hải, thuộc lớp chứng nhân hiếm hoi còn lại gắn với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của quê hương, Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Tôi được đôi lần nghe ông nói chuyện ở các cuộc họp mặt cán bộ hưu trí, thích thú với những “giai thoại” đầy tính truyền kỳ về ông qua những người thân biết, nhưng rất tiếc là không có duyên may để có một cuộc gặp gỡ riêng tư.

Biểu tượng của tình đoàn kết, thuỷ chung

Ðã 70 năm trôi qua, kể từ ngày chuyến tàu tập kết cuối cùng rời cửa Ông Ðốc. Có thể nói, đây là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ, góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi đây cũng chính là 1 trong 3 điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ.

Ðoàn Phương Ðông - Vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu

Trước tình hình Mỹ - Diệm ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo, gây bao đau thương tang tóc cho quê nhà, nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc lòng sôi sục căm thù, quyết tâm tham gia cùng các đoàn trở về quê hương chiến đấu, trong đó có Ðoàn Phương Ðông với quân số lên đến gần 600 người.