(CMO) Đêm qua giấc ngủ cứ chập chờn. Mặt trời chưa lên cao, bà Nguyễn Thị Chi (ấp Công Bình, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) đã làm xong công việc vào sáng sớm hàng ngày: dọn dẹp sơ nhà cửa, cho đàn gà, vịt ăn, đi dỡ mấy cái lú đặt dưới sông chiều hôm qua xem có con tôm, con tép nào không để kịp bán cho lái. Quay vào nhà, thay xong bộ đồ, bà Chi vội vàng ngồi vào bàn, đeo cặp kính lão mà bà chỉ đeo mỗi khi có việc hệ trọng, lọ mọ những nét bút nguệch ngoạc 4 chữ “Đơn xin thoát nghèo”.
Lá đơn chỉ vài câu ngắn gọn, chữ rõ chữ mờ, nhưng đằng sau đó là cả câu chuyện cảm động về phận người nghèo khó, về tình người, về sự nỗ lực của ấp, của xã trong công tác giảm nghèo.
Người đời thường bảo mỗi người sinh ra có một số phận. Và dường như cái số cơ cực đã gắn với bà Chi gần cả cuộc đời. Chỉ riêng tên gọi hộ nghèo đã gắn với đời bà suốt 12 năm qua. Ai cũng nói bà Chi thuộc diện hộ nghèo “bền vững” rồi. Bởi, dường như cái khó nào cũng cứ đeo bám gia đình bà.
Bà Nguyễn Thị Chi chằm lá bán kiếm thêm thu nhập. |
Vài công đất nuôi tôm ít ỏi, đếm trên một bàn tay còn chưa hết - tài sản lớn nhất của gia đình bà đành phải ra đi vì bệnh tật. Ông bà ta hay nói nghèo không sợ, chỉ sợ bệnh, quả thật không sai. Xưa giờ, dù hoàn cảnh có khó khăn cách mấy, bà Chi cũng chưa bao giờ buông xuôi cho số phận hay dựa dẫm vào ai. Việc gì làm được thì tự làm, nghề nào làm ra tiền chân chính cũng không ngại cực nhọc. Cuộc sống tuy có thiếu trước hụt sau nhưng cũng gọi là qua ngày.
Thế nhưng, căn bệnh nặng của chồng bà đã làm cho kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Bệnh viêm phế quản mãn tính chưa điều trị ổn thì mắc thêm bệnh gan nhiễm mỡ, hở van tim. Gia đình làm ra được một thì trị bệnh tốn đến mười. Tuy có thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo nhưng có những loại thuốc phải xuất tiền túi để mua nên chi phí điều trị bệnh luôn là gánh nặng của gia đình bà.
Những ngày chồng bà không phải nằm bệnh viện, bà Chi tranh thủ lao động, dành dụm điều trị bệnh cho chồng. 3 công đất lá dừa giờ thu nhập không còn nhiều như hồi đó, phần vì ít người cần dùng, phần vì bị sâu ăn, nhưng miễn ai đặt lá dừa khô hay chằm lá thì bà Chi đều nhận làm. Hàng ngày thì đặt vài cái lú dưới sông, những ngày mưa nhiều thì đặt rập ba khía. Có khi làm cỏ, rửa chén cho người ta. Cũng có những ngày giăng lưới cá phi chở qua vùng ngọt bán dạo.
Nói về chiếc xe đạp nghĩa tình mà bà Chi vô cùng trân quý, bà bộc bạch: “Chiếc xe đạp này do ông trưởng ấp tặng 8 năm trước. Từ hồi có nó tới giờ, tôi có thêm phương tiện để đi tới đi lui, rồi buôn bán cá lặt vặt, kiếm đồng ra đồng vô. Nếu bữa nào có cá thì tôi cân chừng 10 kg rồi qua bên sông đạp xe bán dạo, mỗi ký cá lời cũng được vài ngàn đồng”.
Thương bà Chi nghèo là do hoàn cảnh, chớ không phải do ý chí, chị em phụ nữ ở gần chung tay giúp đỡ. Lúc thì vài triệu đồng ít ỏi từ nguồn vốn nội lực, khi thì suất gạo, phần quà. Chị Phạm Thị Nhanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Công Bình, chia sẻ: “Trong khả năng chị em với nhau, chúng tôi giúp được cái gì thì giúp. Vốn nội lực, vận động quà rồi hỗ trợ con giống để chị Chi chăn nuôi. Bởi hoàn cảnh của chị rất đáng thương, nghèo khổ nhưng sống có tình làng nghĩa xóm, yêu thương và chịu khó lao động”.
Thấy bà Chi tuổi đã ngoài 60, hoàn cảnh quá khó khăn, không biết đến bao giờ mới sửa sang lại được căn nhà đã xuống cấp, nghe tin có đoàn từ thiện này hay nhà tài trợ kia đến xã, chị Nhanh lại trình bày hoàn cảnh, gởi hình, hy vọng sẽ có tấm lòng nhân ái giúp bà Chi thoát khỏi cảnh nhà dột cột xiêu. Vậy rồi, trải qua không biết bao nhiêu lần gởi đơn, cuối cùng năm rồi, nhờ được hỗ trợ vay vốn giải quyết nhu cầu nhà ở của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ước mơ có được ngôi nhà mới bao nhiêu năm qua của bà Chi đã thành hiện thực.
Tình người ấm áp, mơ ước đã thành, bà Chi không muốn mình tiếp tục là nỗi lo của địa phương, bà muốn chia sẻ những lợi ích dành cho người khó khăn hơn mình. Vậy rồi, bà quyết định nộp đơn xin thoát nghèo.
Bà Chi tâm tình: “Dẫu biết không còn là hộ nghèo thì những quyền lợi cũng mất đi. Trước mắt là tấm thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua. Nhưng tôi nghĩ, Nhà nước, mọi người đã lo cho mình suốt 12 năm qua rồi. Ngôi nhà ước mong lớn nhất cả đời giờ cũng không còn lo lắng nữa nên tôi muốn để lại những chế độ, chính sách ấy cho hộ khác”.
Không còn mang tên hộ nghèo, giờ đây, ước mong nhỏ nhoi của bà Chi là bệnh của chồng thuyên giảm, bản thân bà có sức khoẻ để lao động, trả hết nợ nần. Cuộc sống phía trước còn không ít lo toan, nhưng với bà Chi, gần cuối đời làm được một việc đầy ý nghĩa còn hạnh phúc nào hơn./.
Ngọc Minh