(CMO) Làng rừng là danh từ gợi lên nhiều nỗi nhớ nhung đối với những thế hệ từng trải qua năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Các làng rừng là một hình thức tổ chức bất hợp pháp của ta chống lại âm mưu dồn dân, lập ấp hòng dễ bề đàn áp dưới chế độ tay sai Ngô Đình Diệm.
Không chịu nổi sự cai trị tàn độc của chế độ Mỹ - Diệm, một nhóm người, rồi dần dần là đông đảo người dân đã bỏ làng xóm cố thổ để thành lập các làng mới trong rừng nhằm chống lại địch. Làng rừng ở Cà Mau hình thành từ thời điểm sau Hiệp định Geneve có nguy cơ thất bại và rải đều ở các khu vực rừng tràm, rừng đước và các cánh rừng chồi ở khắp đất Cà Mau.
Đến cuối năm 1958, Cà Mau có khoảng 12 làng rừng trải khắp các địa danh như: Khánh An, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Tân Tiến, Tân Thuận, mũi Ông Lục, Biển Bạch, Trí Phải… Cái hay của làng rừng là được cơ cấu, tổ chức hết sức chặt chẽ. Tất cả các làng đều được bao bọc bởi những cánh rừng ngút ngàn, thuận lợi cho việc phòng thủ. Ngoài ra, nhiều vòng bảo vệ có lực lượng thường trực xuyên suốt hình thành thế trận cảnh giác cao độ. Việc phòng gian, bảo mật là nguyên tắc sống còn. Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, cho biết: “Dù nói là sống trong rừng, nhưng ai ai cũng cảm thấy vui tươi, phấn chấn vì không còn bị đàn áp, giết chóc, không còn cảm thấy cái chết rình rập”.
Quân trang, đơn vị thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9, gồm 29 nữ, do chị Tư Bích chỉ huy. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị này còn tự lực trong đời sống, đảm đang cả những công việc nặng nhọc. (Ảnh chụp tại Rạch Nai, Cái Tàu ngày 27/10/1970). Ảnh tư liệu |
Làng rừng được trực tiếp các chi bộ Đảng lãnh đạo mọi mặt, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân cũng được thiết lập. Người người chung sức đồng lòng để xây dựng trường học, trạm xá, lao động theo hình thức tập thể để phục vụ đời sống. Dần dần, các làng rừng tự trang bị và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng tại chỗ, kết nối với các làng rừng khác để hình thành nên thế trận vững chắc hơn. Đến cuối năm 1959, một số làng rừng đã bung lực lượng ra để phá kềm, diệt ác ôn, móc nối cơ sở và gầy dựng lại niềm tin của quần chúng. Đây chính là những dấu ấn đậm nét, tạo nền tảng để phong trào Đồng Khởi ở Cà Mau giai đoạn tiếp theo đạt nhiều thắng lợi to lớn.
Cố Tổng bí thư Lê Duẫn nhận định: “Khi địch lôi máy chém khắp miền Nam, đưa sự tàn bạo của phát xít lên đến cùng cực, ở Minh Hải có hàng vạn thanh niên vào rừng U Minh. Một không khí cách mạng bùng lên”. Với ý nghĩa thực tiễn và lịch sử to lớn, làng rừng đã trở thành chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra tại Minh Hải vào năm 1993. Trong đó, làng rừng được coi là nét độc đáo của vùng bán đảo Cà Mau trong việc thích ứng và giữ gìn lực lượng cách mạng khi đương đầu với một kẻ thù, một chế độ tay sai mới. Làng rừng mang đầy đủ yếu tố thể hiện tính chất nhân sinh, văn hoá - xã hội, giao lưu cuộc sống, văn hoá cách mạng, lao động tập thể. Đời sống tinh thần của người dân trong các làng rừng không hề nghèo nàn, mà trái lại vô cùng phong phú. Bởi vậy, không quá khi có cách gọi làng rừng là làng xã hội chủ nghĩa.
Tuần tra, bảo vệ màu xanh rừng tràm U Minh Hạ. |
Ở làng rừng, con người sống với nhau bằng sự yêu thương, đùm bọc, tinh thần đoàn kết lên đến mức cao độ. Sinh sống tại những ngôi làng đặc biệt này, người ta chỉ nghĩ đến cái chung, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân. Làng rừng không đơn giản được hình thành bởi tư tưởng tránh địch, trốn địch, bảo toàn lực lượng, mà sâu xa hơn, đây chính là một ứng xử tuyệt vời của ta trong tình thế vô cùng đen tối của bối cảnh lịch sử. Cũng từ nhãn quan sự nhạy cảm chính trị tuyệt vời này, làng rừng đã trở thành căn cứ, điểm tựa để quân và dân Cà Mau bước vào mùa Đồng Khởi với đầy đủ sự chuẩn bị về tinh thần, lực lượng và đường lối cách mạng. Điều này gợi nhớ lại chủ trương “vườn không nhà trống” mà thời kỳ nhà Trần đã đẩy lùi cuộc xâm lược của kẻ thù hùng mạnh Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.
Đến cuối năm 1959, lực lượng cách mạng ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ. Đến khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, làng rừng không còn tồn tại như trước. Nhân dân bắt đầu quay trở lại xóm làng, các vùng giải phóng rộng mở, làng rừng chỉ còn lại các công binh xưởng, cơ sở quân, dân y. Làng rừng bắt đầu được nâng cấp trở thành các căn cứ địa kháng chiến vững chắc. Làng rừng vẫn tồn tại mãi cho đến những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Làng rừng là ký ức, là niềm thương, nỗi nhớ của biết bao lớp người kinh qua bom đạn. Đó là nét đẹp lãng mạn nhưng hào hùng trong những trang sử vàng son của vùng đất Cà Mau./.
Quốc Rin