(CMO) Mặc dù ngày tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đã qua, nhưng hoà chung không khí những ngày nắng xuân ấm áp, bà con đồng bào dân tộc Khmer cũng tất bật trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Những món ăn truyền thống ngày tết như dưa cải, củ kiệu... được bà con chuẩn bị để đón chào năm mới với nhiều điều tốt đẹp, may mắn.
Những ngày cuối năm, cây mai trước nhà anh Trà Văn Huôl, Ấp 9, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời được chăm chút và tuốt lá cẩn thận. Có cành đã nở sớm một vài bông, nhưng theo anh Huôl mai vẫn nở kịp đón tết. Để có những nhánh mai trang hoàng cho ngày tết thêm không khí, anh Huôl phải chăm chút và tính kỹ từng ngày. Theo quan niệm xưa nay, hễ tết đến là phải trang hoàng, dọn dẹp nhà của cho thật mới, tươm tất và sạch sẽ. Một phần vì tết là những ngày bà con sum họp, khách thường đến nhà chúc tết thăm hỏi, một phần vì ý nghĩa tiễn năm cũ qua đi và đón chào một năm mới với những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Theo ý nghĩa này nên từ trong ra ngoài, các khâu dọn dẹp lại nhà cửa hầu như đã được gia đình anh Huôl hoàn tất.
Anh Huôl cho hay: “Dự định ít hôm nữa tôi sẽ tát cái ao sau nhà bắt cá ăn tết. Một năm gia đình tôi đón 2 cái tết là tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và Tết Nguyên đán. Tết Chôl Chnăm Thmây chỉ gói gọn trong đồng bào dân tộc Khmer, còn Tết Nguyên đán thì rộng hơn nên không khí vui hơn. Ngày tết cũng tổ chức họp mặt anh em rồi giao lưu ca hát. Giống như cái tết cổ truyền của đồng bào dân tộc mình, chúng tôi đón Tết Nguyên đán và cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới”.
Cũng giống như gia đình anh Huôl, gia đình ông Trần Thanh Lâm, Ấp 2, xã Khánh Bình Đông, nao nức lên kế hoạch cho những ngày tết sắp đến. Gia đình ông Lâm có 3 người con đều đi làm ăn xa. Khoảng 27 tết là con cháu nhà ông Lâm bắt đầu xôm tụ, quây quần bên nhau để đón chờ giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Đối với gia đình ông Lâm, ngày Tết Nguyên đán không chỉ là dịp mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả, mà còn là dịp để mối quan hệ gia đình, hàng xóm thêm thắt chặt.
Anh Trà Văn Huôl chăm chút cây mai quý. |
Ông Lâm cho biết: “Phong tục truyền thống trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây thì giờ giao thừa năm cũ bước qua năm mới, chúng tôi sẽ mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tập trung đến chùa. Còn ngày Tết Nguyên đán chúng tôi vẫn làm mâm cơm để đưa và rước ông bà tổ tiên, rồi cầu mong cho năm mới. Mọi người sẽ đi đến nhà láng giềng chúc tết, thăm hỏi, đi thăm ông bà, họ hàng. Sau ngày họp mặt gia đình, gia đình tôi thường tổ chức các chuyến đi tham quan tại các địa điểm du lịch trong tỉnh. Sau những ngày vui xuân đón tết, bà con bắt tay vào lao động sản xuất”.
Bên cạnh các phong tục như cúng cơm ngày tết, thăm hỏi ông bà, trang hoàng nhà cửa, sự giao thoa và kế thừa những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp giữa các dân tộc còn được thể hiện trong văn hoá ẩm thực ngày tết. Các món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết như thịt kho tàu, bánh tét, củ kiệu hay dưa cải được bà con đồng bào dân tộc Khmer chuẩn bị tươm tất để đón tết. Bà Lý Thị Tương, vợ ông Lâm, bộc bạch: “Bánh tét là món ăn hầu như luôn có trong ngày tết nên năm nào cũng vậy, cứ khoảng 28, 29 tháng Chạp là tôi chuẩn bị đậu, nếp, lá chuối để gói bánh tét. Có năm hàng xóm hai bên hùn thêm vài ký nếp rồi cùng nhau gói bánh. Tất cả bà con đồng bào dân tộc Khmer đều đón Tết Nguyên đán. Ngày tết nào chúng tôi cũng thấy vui”.
Có thể thấy rằng, những năm gần đây nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đời sống văn hoá, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Khmer đã có sự phát triển rõ rệt. Bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, bà con đồng bào dân tộc Khmer đã kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của cộng đồng. Bên cạnh niềm vui của những ngày mùa no ấm, trong từng góc nhà, chái bếp, bà con đồng bào dân tộc Khmer háo hức đón một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, sum vầy. Đây không chỉ là sự giao thoa văn hoá, mà qua đó còn góp phần làm vững chắc hơn truyền thống đại đoàn kết dân tộc lâu nay./.
Chi Kim