(CMO) Nghèo đã khó, bệnh tật triền miên càng thêm khổ. Đó chính là hoàn cảnh đáng thương của chị Danh Hồng Tính (ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). Chị nghèo do hoàn cảnh chớ không phải do không chịu làm ăn, trông chờ, ỷ lại. “Đâu ai muốn mình nghèo”, như lời chị tâm tình, ngặt nỗi, bản thân, gia đình chị lực bất tòng tâm. Nếu không có sự trợ lực căn cơ của chính quyền địa phương, con đường vượt qua chữ nghèo phía trước thật mong manh.
Muốn thoát nghèo không dễ
Thật ra, là hộ nghèo, rồi giảm còn hộ cận nghèo, đồng thời là hộ đồng bào dân tộc Khmer, gia đình chị Tính được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương từ huyện, xã, ấp quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Từ căn nhà 134, hỗ trợ để được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, nguồn vốn nội lực của Chi hội Phụ nữ ấp, các chương trình chăm lo cho người nghèo, trợ cấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua..., thế nhưng, nhìn lại bức tranh cuộc sống gia đình chị dường như chưa có gì tươi sáng. Khó khăn này rồi trở ngại khác cứ đeo bám gia đình chị như định mệnh.
Nhờ nguốn vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, chị Hứa Cẩm Hằng (Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có việc làm ổn định và thoát cận nghèo. |
Chị Tính kể, tài sản lớn nhất của gia đình là 2 công đất ruộng. Vợ chồng chị cũng nắm cái này, bắt cái kia nhưng làm đến đâu thất bại đến đó. Vay vốn chăn nuôi gà, vịt thì bệnh chết gần hết. Anh Lê Văn Dời, chồng chị, không có nghề nghiệp ổn định, ai mướn gì làm nấy.
Đó chính là những khó khăn đối với công tác giảm nghèo của huyện Trần Văn Thời trong năm 2020. Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống cho biết: “Năm 2020 là một trong những năm thực hiện công tác giảm nghèo rất khó khăn. Hộ nghèo, cận nghèo hiện nay rơi vào hộ đông con, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, không có việc làm để có thu nhập thường xuyên cho gia đình, nghèo do bệnh tật, già yếu, không có lao động...”.
Lộ trình giảm nghèo còn lắm gian nan
Theo kế hoạch giảm nghèo, năm 2020, huyện Trần Văn Thời phấn đấu tiếp tục giảm 1% hộ nghèo, tương đương 498 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,20% và giảm 0,5% hộ cận nghèo, tương đương 240 hộ, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,49%. Đây cũng là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và công tác giảm nghèo nói riêng, bởi là năm cuối của giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, nửa năm trôi qua, tình hình sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán khắc nghiệt, cùng với đó là nhiều tháng ròng sản xuất, kinh doanh đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến công tác giảm nghèo ở địa phương.
Ông Võ Quốc Thống cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm nay, huyện gặp khó khăn trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo như triển khai các dự án về chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu giảm nghèo. Qua đó, các dự án không triển khai được do thiên tai, hạn hán; lộ giao thông bị sụp lún, không đi lại được. Các xã, thị trấn không triển khai được các mô hình, dự án như chăn nuôi, trồng trọt, kể cả kế hoạch tư vấn việc làm ngoài tỉnh, tư vấn đưa người lao động nước ngoài, thực hiện gói hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách - Xã hội về công tác giảm nghèo... Cho nên đến thời điểm này, thực hiện mục tiêu giảm 1% hộ nghèo và 0,5% hộ cận nghèo vẫn khó khăn”.
Những cơn mưa đầu mùa sau bao ngày mong mỏi cũng đã đến, chị Nguyễn Thị Bai, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông cuốc đất để xuống giống rau cần, rau diếp cá để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Chồng chị tranh thủ hôm nào không đi làm thuê cho chủ vuông tôm, đắp lại mấy bờ bao để khi có nguồn vốn thì thả nuôi cá bổi.
Chị Bai bảo: “Nếu năm nay địa phương xét ra khỏi hộ nghèo, tôi cũng chấp nhận, chỉ mong được hỗ trợ vay vốn để nuôi cá bổi mới mong thoát nghèo hẳn”. Mang tiếng là hộ nghèo không ai muốn, vợ chồng chị Bai cũng vậy, đất ruộng chỉ có vài công, làm giỏi lắm mới có đủ gạo ăn nên vợ chồng chị phải bươn chải đủ thứ. Tận dụng đất trống trước nhà chị trồng màu xong vụ này tới vụ khác. Thu nhập không nhiều như người ta nhưng cũng có đồng tiền lo cuộc sống hàng ngày. Chồng chị thì nhận làm thuê theo ngày cho chủ vuông tôm, ngày nào làm thì được vài trăm ngàn đồng.
Nửa năm trôi qua, cũng như nhiều bà con trong xóm, những liếp hoa màu của chị Bai không sống nổi trước cái nắng khắc nghiệt. Nguồn thu nhập hàng ngày như trước không còn. Mưa xuống hoa màu có thể trồng lại, nhưng dự tính chăn nuôi heo trở lại thì đang gặp khó khăn. Chị Bai cho biết: “Hiện tại heo hơi có giá cao, tôi định chăn nuôi heo trở lại, bỏ chuồng trống cũng phí nhưng tìm heo giống chưa có”./.
Ngọc Minh