ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-11-24 16:33:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nén tâm nhang thay lời tạ lỗi

Báo Cà Mau (CMO) Tháng Bảy tri ân, cứ đến những thời điểm đó, chúng ta lại rưng rưng, ngậm ngùi thương tưởng, đôi khi xen những giây phút xót xa, day dứt. Với tôi, đón tháng Bảy về với cõi lòng se sắt và cả những dằn vặt, xem như mình còn mang nợ và có lỗi với người thân.

1. Chuyện của Hải: Biết Hải Thiếu tá Trần Thị Hải (quân nhân chuyên nghiệp, y sĩ Tiểu đoàn 6,  Lữ đoàn 226, Quân khu 9) nhiều năm, nhưng mỗi lần gặp, thường là tán gẫu chuyện trên trời, dưới bể, đâu có dịp lắng nghe, chia sẻ cõi lòng của nhau. Hôm nay, tháng Bảy, ngồi uống cà phê, đúng lúc một đoàn xe đưa tang đi qua, Hải ngậm ngùi: “Có gì thương đau bằng sinh ly, tử biệt chị nhỉ". Hải tự sự tiếp: “Nhưng những người ấy còn hạnh phúc hơn em, vì được trực tiếp tiễn biệt người thân và Thanh minh hàng năm, họ có nơi chốn thắp hương, tưởng nhớ”. "Còn em?", tôi hỏi. Mắt Hải ngân ngấn nước: “Ba hy sinh ở chiến trường miền Đông từ lúc em mới được 5 tháng tuổi. Và mấy chục năm nay, dòng tộc, đơn vị và cả đồng đội của ba liên tục, mải miết kiếm tìm, nhưng vẫn chưa thấy hài cốt. Em day dứt lắm, vì trước khi nhắm mắt, mẹ còn thều thào: cố gắng tìm cha con nhé”. Tôi động viên Hải: "Chiến tranh khốc liệt, đau thương là thế. Em hãy nguôi nỗi lòng, sống vươn lên và hiểu rằng sự hy sinh của ba cùng các anh hùng, liệt sĩ đã mang lại cho Tổ quốc hôm nay niềm hạnh phúc, yên bình, cho chúng ta thư thái ngồi đây trò chuyện".

Qua câu chuyện bi thương của Trần Thị Hải tôi hiểu thêm, đất nước hoà bình, non sông thống nhất đã 45 năm, nửa cuộc đời của một con người, vậy mà nỗi đau hậu chiến mãi còn âm ỉ khôn nguôi với bao gia đình, làng xóm. Chắc rằng ở muôn nẻo quê hương, biết bao người mẹ, người vợ, người con vẫn đang khắc khoải, đau đáu ngóng mong tin chồng, tin con, tin cha của mình!

2. Chuyện của tôi: Trong dòng chảy bi thương nhưng vô cùng oai hùng của dân tộc, dòng tộc tôi cũng góp phần nho nhỏ: hơn 10 liệt sĩ, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng chục thương bệnh binh. Bác trai Hồ Văn Tha (hy sinh năm 1953) và anh trai, con bác Tư Hồ Văn Trọn (hy sinh năm 1968), đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Tôi đã nhiều lần liên hệ với bộ phận chính sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau và Phòng Chính sách Quân khu 9 nhờ hỗ trợ, giúp đỡ, song đến nay vẫn mịt mờ tăm cá. Biết làm sao được, tôi tự an ủi mình, những mất mát của chiến tranh không có gì bù đắp nổi! Song, mỗi lần giỗ bác và anh, tôi thấy mình có lỗi vì chưa tìm được hài cốt của hai người. Trước bàn thờ, thắp nén tâm nhang, tôi luôn khấn nguyện hương hồn bác và anh hãy an ngủ trong lòng đất mẹ, Tổ quốc đời đời ghi công bác và anh, cùng các anh hùng liệt sĩ. Những lần ấy, tôi luôn nhắc nhở con cháu trong dòng tộc phấn đấu sống tử tế, xứng đáng với sự hy sinh của cha, anh.

Cán bộ chiến sĩ Đội K91 thăm nghĩa trang.

3. Chuyện của nhiều nhà: Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, hơn 300.000 liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính. Quả thật công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ còn nhiều vướng mắc, khiến hàng ngàn thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Tại địa bàn Quân khu 9, sau gần 20 năm nỗ lực, miệt mài tìm kiếm, 4 đội K (K90, K91, K92 và K93), chuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ ở chiến trường Campuchia và trong nước, mới tìm thấy và cất bốc đưa vào các nghĩa trang chưa được chục ngàn bộ hài cốt liệt sĩ. Con số này còn thấp so với số chiến sĩ đã hy sinh tại các chiến trường. Đã vậy, nhiều bộ hài cốt chưa xác định được danh tính, trước bia mộ của các liệt sĩ còn mang dòng chữ: “Chưa xác định được thông tin”. Theo Đại tá Đặng Văn Thời, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 9, đi qua các cuộc chiến tranh, ĐBSCL có hơn 182.000 người con đã nằm lại các chiến trường, trong đó, đến nay gần 37% liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hoặc tìm được nhưng chưa xác định được danh tính.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, 4 đội K tạm dừng việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại chiến trường Campuchia. Thay vào đó, các đội tập trung tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trong nước. Kết quả, đã tìm và quy tập được 232 bộ hài cốt, trong đó hơn 60% chưa xác định được danh tính. Vào dịp 27/7 năm nay, những bộ hài cốt này sẽ được các địa phương kết hợp cùng các đội K tổ chức an táng.

… Một trưa tháng Bảy tôi ghé qua Nghĩa trang Liệt sĩ Tam Nông, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - nơi yên nghỉ của gần 4.900 liệt sĩ. Rảo qua các khu mộ tôi nhìn thấy nhiều ngôi mộ trước bia ghi dòng chữ: “Chưa xác định được thông tin”. Anh Ngô Thanh Tuấn, Phó Ban Quản trang Tam Nông, thông tin: “Hiện nghĩa trang còn hơn 78% số mộ chưa xác định được danh tính”. Một trong số người vượt đường xa hàng ngàn cây số đến Nghĩa trang Tam Nông tìm người thân là Đại tá Vũ Đình Toản, Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Biên phòng Việt Nam. Được biết, Đại tá Vũ Đình Toản có 2 anh trai hy sinh ở chiến trường miền Nam (Liệt sĩ Vũ Qui Hoạch và Liệt sĩ Vũ Ngọc Đoan), trong đó một anh hy sinh ở chiến trường K. Đã 2 lần tìm về Tam Nông, nhờ Ban chỉ huy Đội K91 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp) hỗ trợ, nhưng cuộc kiếm tìm người thân vẫn chưa có kết quả. “Đến Đội K 91, gia đình  tôi luôn nhận được sự hỗ trợ chu đáo, tận tình của cán bộ, chiến sĩ nên cảm thấy rất ấm lòng”, Đại tá Vũ Đình Toản tâm sự.

… Mỗi ngày, mỗi ngày, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đều dành thời lượng từ 10-15 phút phát sóng tiết mục “Đi tìm đồng đội”. Ai đã 1 lần nghe hoặc thấy những bản tin ấy sẽ se lòng và trào dâng niềm thương cảm, trước những mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc, của đồng chí, đồng bào.

Gần nửa thế kỷ đất nước yên bình nhưng còn nhiều liệt sĩ - những người đã hiến dâng xương máu cho Tổ quốc độc lập, thống nhất vẫn chưa tìm thấy mộ phần để quy tập vào nghĩa trang. Day dứt vì điều đó, thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, hình thức, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã và đang nỗ lực tìm kiếm đồng đội đã hy sinh. Mỗi cuộc tìm kiếm là một trong những việc làm thể hiện lòng tri ân của chúng ta đến các anh hùng./.

Hồ Trúc Điệp

Tăng tốc hoàn thiện các công trình, phần việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (3/11), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân và Lê Văn Sử đồng chủ trì cuộc họp rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954-2024.

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.