(CMO) Tiếp tục chương trình khảo sát về tình hình hoạt động của nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chiều ngày 16/12 Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh có buổi làm việc tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.
Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng năm 1999, đưa vào hoạt động năm 2003. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm được hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Cơ sở vật chất ban đầu có hội trường gồm 350 ghế, sân khấu, trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng và bàn ghế trang thiết bị cho các phòng làm việc. Riêng trang thiết bị phục vụ giảng dạy các lớp năng khiếu do đơn vị tự cân đối kinh phí mua sắm bổ sung hằng năm.
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, bà Ngô Ngọc Khuê phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Từ khi đưa vào hoạt động, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã duy trì và mở rộng nhiều hoại hình vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thiếu nhi, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, tạo điều kiện chăm bồi, bồi dường, phát huy năng khiếu để thiếu nhi phát triển toàn diện. Tuy nhiên đến nay, tình hình hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh gặp không ít khó khăn. Trong đó, cơ sở vật chất xuống cấp và biên chế là hạn chế lớn nhất.
Theo Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Huỳnh Chí Dũng cho hay: “Hiện nay 10 phòng học của Nhà Thiếu nhi không có bàn ghế, hệ thống nước, phòng cháy chữa cháy hư hỏng. Đơn vị không thể mua sắm và sửa chữa do có kế hoạch di dời Nhà Thiếu nhi nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thời gian cụ thể, gây rất nhiều khó khăn cho Nhà Thiếu nhi trong quá trình hoạt động".
Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát Nhà Thiếu nhi tỉnh
Về vấn đề nhân sự, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Huỳnh Chí Dũng trình bày: “Hiện nay đơn vị có 20 công chức, viên chức, người lao động. Số lượng biên chế của Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau hiện còn quá ít so với quy mô hoạt động. Đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét ngoài định biên, Nhà Thiếu nhi được mở rộng hợp đồng lao động theo đúng nhu cầu thực tế của đơn vị, nhằm đảm bảo đủ số lượng cán bộ phục vụ hoạt động từ nguồn kinh phí tự chủ. Ngoài ra, đề xuất Sở Tài chính, UBND tỉnh xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng học năng khiếu nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập cho các em thiếu nhi”.
Qua 4 buổi khảo sát hoạt động tại các nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, bà Ngô Ngọc Khuê chia sẻ những khó khăn trong quá trình hoạt động của các nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh chất lượng công trình còn có trách nhiệm của những người quản lý. Nhiều nhà thiếu nhi có trang thiết bị như trống, kèn bố trí chưa hợp lý nên vẫn chưa phát huy hiệu quả sử dụng. Về vấn đề biên chế, Tỉnh đoàn và các cơ quan có liên quan cùng nhau thảo luận xây dựng đề án hoạt động, có sự thống nhất trong toàn tỉnh, duy trì hoạt động và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong thời gian tới./.
Đào Kỳ