(CMO) Chuyện 5 chị em neo đơn sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau cùng nhau góp tiền chống dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một hiệu ứng xã hội vô cùng tích cực. Người trẻ nhất đã 62 tuổi, người cao tuổi nhất là 84, còn lại đều ở tuổi xưa nay hiếm. Trong đó, 2 người có Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, 1 người có Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và là thương binh, 2 người còn lại thuộc đối tượng neo đơn, nhiễm chất độc hoá học do chiến tranh. Mỗi người đã góp từ 3-5 triệu đồng để ủng hộ đồng bào, chung sức với đất nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Điều đáng nói, số tiền ấy là gần như toàn bộ tài sản các cụ có được.
Cuộc hội ý đặc biệt
Đó là một ngày cuối tháng 3/2020, bản tin thời sự trên ti vi liên tục đăng tải các thông tin về tình hình dịch Covid-19, Việt Nam khẳng định thông điệp: Chống dịch như chống giặc. Bà em út trong nhóm bần thần trong người, nhắn gấp với 4 chị: “Lại có giặc rồi. Chị em mình hội ý gấp”. Cuộc hội ý lắng nghe từng ý kiến đóng góp trong không khí dân chủ, lấy biểu quyết tập thể. Chủ trì cuộc hội ý, bà em út được phân công phát biểu khai mạc: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước, rồi Thủ tướng Chính phủ và tiếp theo đó là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã kêu gọi người người, nhà nhà chung sức chống dịch. Đề nghị các chị em thể hiện tinh thần quyết tâm, nêu gương đảng viên, người cao tuổi, cùng góp sức với đất nước, quê hương chống dịch bệnh. Tôi làm trước, góp 5 triệu đồng”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân trao Bằng khen cho cụ Phan Thanh Nhàn. Ảnh: QUỐC RIN |
Các chị em còn lại đồng thanh: “Chúng tôi nhất trí, 5 triệu”. Chỉ có bà chị thứ tư ấp úng: “Tôi cũng đồng tình, nhưng…”. Bà út khai thông: “Có nhiêu góp nhiêu, tấm lòng không thể hiện bằng số lượng”. Bà chị thứ tư hồ hởi: “Tôi 3 triệu”. Cả 5 bà cười thật lớn, quay qua thủ thỉ chị em: “Bộ mấy em góp hết tài sản luôn hả?”; “Thì chế cũng móc sạch ruột rồi còn gì”; “Mình ở đây biết bao nhiêu năm, Nhà nước lo lắng, tiền cũng là từ thuế của người dân mà ra. Già cả hết rồi, có xài gì nữa đâu”. Cuộc hội ý kết thúc, mỗi bà tiến về phòng chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ.
Trong số những "bà tiên giữa đời thường" này, chúng tôi thân thương gọi bà út trong nhóm, cô Võ Ánh Nguyệt, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau là má Tư. Gắn bó với trung tâm gần 20 năm công tác, má Tư được mệnh danh là “bà má của những đứa trẻ họ Nhân”. Không có gia đình riêng, nghỉ hưu, má Tư có nguyện vọng xin ở lại luôn ở trung tâm để chăm sóc, kèm cặp mấy chục đứa nhỏ đều là họ Nhân, con của má. Với má Tư, những đứa bé bị ruồng bỏ tìm được nơi nương náu. Đứa bị bỏ trước cửa trung tâm trong một khuya mưa gió; đứa vừa sanh xong, cha mẹ bỏ luôn trong bệnh viện vì tật nguyền… bà tiên út làm thủ tục xin về, đặt tên, nuôi hết.
Đêm đó, mỗi người sắp xếp những tờ tiền ngay ngắn, gói ghém cẩn thận vào khăn tay để sáng mai lên gặp Ban Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, đề đạt nguyện vọng và tiến hành trao gởi số tiền đóng góp. Sáng sau, ai cũng mặc bộ đồ đẹp nhất, nghiêm trang đợi gặp các lãnh đạo trung tâm. Bà út lại thay mặt chị em phát biểu: “Chúng tôi là những người già cả, neo đơn, bấy lâu nay nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước, tiền thuế của người dân, sự quan tâm chăm sóc của trung tâm, nay mong muốn đóng góp ít tiền mọn để cùng tỉnh nhà chống dịch bệnh”. Không đợi vị lãnh đạo lên tiếng, từng bà đứng lên đọc tên, tuổi, quê quán, số tiền đóng góp. Lúc này, vị lãnh đạo trung tâm tỏ vẻ bối rối: “Với nhiều người số tiền 5, 3 triệu không là bao, nhưng với các cô, số tiền ấy là rất lớn. Các cô cũng phải giữ lại chút ít để lo lắng cho mình chớ”; “Thưa đồng chí, chúng tôi đã quyết. Dù sao, chúng tôi còn có lương hưu, tiền trợ cấp, còn có mái nhà chung này nữa, không có gì phải lo hết”.
Là hạt cát dâng hiến cho đời
Trung tâm tiếp nhận tiền, lập danh sách, đóng mộc đỏ. Phía trên hội trường làm việc, nơi các bà góp tiền, tượng Bác Hồ, Đảng kỳ, Quốc kỳ nghiêm trang, các bà xếp hàng theo thứ tự tuổi tác, lần lượt bước lên, cẩn thận mở khăn tay, giấy gói bằng báo, trao số tiền của mình. Bên ngoài, một số ánh mắt tò mò, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cả 5 bà bước ra khỏi hội trường, đầu ngẩng cao và ánh mắt sung sướng tự hào. Chợt một bà rưng rưng nước mắt: “Y chang như hồi làm xong nhiệm vụ thời đánh giặc mấy chế ơi. Sao mà hồi hộp, tự hào, sung sướng quá trời”. Rồi cả 5 bà nắm chặt tay nhau, miệng cười, nhưng mắt âng ấng nước. Có bà lầm thầm: “Cầu trời, khẩn đất cho dịch bệnh qua mau”. Một bà quay lại nói: “Trời đất nào, chống dịch thì phải tin vào Đảng, Nhà nước và sức mạnh của dân tộc mình chớ”; “Đúng rồi”, cả 5 bà gật gù với câu kết luận thấu tình, đạt lý.
Hôm 6/4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức đoàn đến trao tặng bằng khen cho 5 người, cả trung tâm tề tựu lại chúc mừng. Riêng 5 bà băn khoăn và nghĩ lung lắm. Bà chị cả quay qua nói với chị em: “Tụi mình đóng góp đâu phải để được khen. Mà từ chối sao đặng…”. Một bà chợt có ý kiến: “Nghe nói bằng khen của UBND tỉnh là có kèm theo tiền. Tôi đề nghị, chỉ nhận Bằng khen, còn tiền nếu có thì tất cả gởi lại để tỉnh mình có thêm ít kinh phí chống dịch”. Vậy là cả 5 bà thống nhất phương án đề ra. Buổi trao bằng khen diễn ra ngắn gọn, bà út thay mặt chị em phát biểu cảm tưởng: “Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, ghi nhận việc làm của chúng tôi. Đóng góp của chúng tôi chỉ là hạt cát, ai cũng làm được, không có gì to tát”. Không ai dặn ai, nhưng cả 5 bà đều không cười khi đón nhận bằng khen. Không ai dặn ai, cả 5 bà tiên đều ngoáy nhìn phía sau, nơi có tượng Bác Hồ, có Đảng kỳ, Quốc kỳ thiêng liêng, máu thịt. Sau đó, từng bà bồi hồi ôm bằng khen vào lòng, mau chóng về căn phòng của mình, cất kỹ.
Cuộc sống luôn có những phép màu. Đất nước tôi, phép màu luôn xuất hiện trong thử thách cam go nhất, và từ những con người bình dị nhất. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai hay những nghịch cảnh đời người, đất nước tôi, không một ai bị bỏ lại phía sau. Phép màu của 5 bà tiên sẽ nhân lên niềm tin, sức mạnh của hơn 90 triệu con người, một ý chí, rằng: giặc nào rồi chúng ta cũng sẽ chiến thắng!./.
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau Trần Quốc Bảo cho biết: “Các cụ đều có hoàn cảnh riêng, sinh sống ở trung tâm nhiều năm. Số tiền đóng góp của từng người đều là toàn bộ tài sản mà các cụ dành dụm được. Trong sinh hoạt, cuộc sống, các cụ đều là những người gương mẫu, chuẩn mực. Sự đóng góp của các cụ rất đáng trân trọng, là gương sáng đáng để xã hội tri ân, noi theo. Ở trung tâm còn 4 cụ nữa, già cả neo đơn cũng xung phong đóng góp. Noi gương các cụ, nhân viên, người lao động của trung tâm cũng ủng hộ mỗi người 1 ngày lương”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cảm động: “Trong thời chiến cũng như thời bình, các cụ đã cống hiến, hy sinh để phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nay trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, dù có hoàn cảnh riêng khó khăn, các cụ vẫn nêu gương sáng của người đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, người cao tuổi để chia sẻ với đất nước, quê hương, điều đó không có gì cao quý cho bằng”. |
Phạm Quốc Rin