(CMO) Mới hôm kia thằng bạn điện hỏi: “Bạn nhà báo có về quê dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập huyện không?”. Tôi cười mà trong lòng đầy trắc ẩn: “Vậy có người vẫn nghĩ Trần Văn Thời chính là quê hương của mình!”.
Thiệt tình thằng bạn nói đúng tâm can của tôi. Vì tôi đã rời xa Trần Văn Thời gần 30 năm rồi nhưng lúc nào vẫn nghĩ quê hương luôn ở đây. Tuổi thơ của tôi gắn liền với thị trấn Rạch Ráng (nay là thị trấn Trần Văn Thời), nơi cho tôi biết bao kỷ niệm khó phai mờ. Trong đó, có những công trình đã hằn sâu vào tiềm thức.
Cây cầu xanh
Tôi không biết cây cầu xanh có tự bao giờ, nhưng khi tôi biết đi, biết nói thì cây cầu xanh đã tồn tại. Con mắt của đứa trẻ thơ nhìn vật gì cũng khổng lồ, to lớn. Ngày đó, tôi nhìn cây cầu xanh cũng vậy, nó không như cây cầu khỉ lắc lẻo bắc qua con kênh trước nhà mà sừng sững nối liền đôi bờ sông dài. Những tấm ván bản to xếp đều thành nhịp trên những khung sắt được sơn màu xanh nước biển. Có lẽ vì thế mà người ta gọi thành tên: Cầu xanh.
Cống Rạch Ráng được xây dựng tại vị trí cầu xanh. |
Những năm 1980 nhà tôi nằm sát Trường Chính trị huyện (nay là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị). Từ nhà qua bên kia chợ Rạch Ráng phải đi qua cầu xanh. Mỗi lần đặt chân lên nhịp cầu là tôi không dám mở mắt nhìn. Nghĩ cũng lạ, đi cầu khỉ chông chênh như xiếc vậy mà không sợ, nhưng khi bước lên cầu xanh là tụi con nít như tôi đều hú vía. Lớn lên thêm một chút tôi thấy cầu xanh không quá cao, không đáng sợ, có khi tôi còn leo lên thành cầu nhảy tủm xuống dưới tắm sông.
Nhiều thế hệ nhìn cầu xanh không đơn thuần là công trình của lịch sử, của kỷ niệm mà còn là sự biết ơn, là minh chứng cho sự đi lên của quê hương. Từ bên đây cầu, những mặt hàng nông sản, con cá, cọng rau… đã vượt sông qua bên kia chợ Rạch Ráng; những vòng xe đạp, bước chân của học sinh đến trường cũng từ nhịp cầu này.
Cầu xanh giờ không còn nữa, vì cách nay khoảng 5 năm huyện Trần Văn Thời xây dựng công trình cống Rạch Ráng ngay tại vị trí cầu xanh nhằm thực hiện nhiệm vụ kép, một là để đảm bảo phục vụ giao thông, hai là ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng sản xuất nông nghiệp bên trong. Song, ở trong trái tim tôi, cầu xanh vẫn giữ nguyên một màu xanh ấy.
Nhà hát
Lúc nhỏ xíu ngồi ở ngạch cửa mỗi chiều tôi đã thấy chiếc tàu kéo ì ạch nhả khói đen mịt trời kéo sau đuôi là những chiếc xà lan to đùng chở đầy cọc bê-tông, gạch, đá… ngang qua con kênh trước nhà. Đó là vật tư để xây dựng nhà hát, công trình độc đáo bậc nhất so với các huyện trong tỉnh. Nhà hát được xây dựng trên eo đất rộng hướng mặt về phía cây cầu xanh. Một anh bạn đồng nghiệp có tuổi ở Đài Truyền thanh huyện (nay là Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện) nhớ lại, công trình nhà hát được xây dựng hơn 3 năm mới hoàn thành (từ năm 1986-1988), nơi đây là trụ sở làm việc của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Trần Văn Thời qua các tên gọi khác nhau ở từng thời kỳ; là nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao của huyện. Cũng tại nơi đây, tôi có những kỷ niệm và bài học đầu đời.
Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi đứng trên sân khấu nhà hát khi tham gia tiết mục múa tập thể 10 người (5 bạn nam, 5 bạn nữ). Nhóm múa lọt thỏm trên sân khấu rộng thênh thang. Cũng đồng phục quần màu tím than, áo màu xanh lá cây như mọi người, nhưng cha mẹ tôi vẫn nhận ra tôi trong từng động tác (kể cả động tác tuột chiếc giày ra khỏi bàn chân). Tôi mắc cỡ nhưng vẫn múa hết bài dù chỉ mang 1 chiếc giày. Vậy mà cha vẫn khen, cha nói tôi có khiếu sân khấu.
Lớn hơn một chút, dù đang học lớp 5 nhưng tôi bắt đầu tập tành mưu sinh tại nhà hát. Trong chiếc giỏ tre xinh xắn là những hộp thuốc lá, bao diêm, bọc đậu phộng rang, kẹo sing-gum hình vuông vức, nhiều màu… bán cho khán giả xem phim bộ dài tập. Mọi người vào coi phim phải mua vé, riêng tôi tuổi còn nhỏ nên được miễn phí vào cổng. Lúc này ở Rạch Ráng chưa có quán cà phê chiếu phim bộ nên khán giả tới nhà hát xem phim rất đông. Cũng nhờ vậy mà đêm nào về nhà trên tay tôi cũng có xấp tiền lẻ được xếp ngay ngắn trao cho mẹ.
Nhà hát còn là nơi cho tôi nhìn thấy các nghệ sĩ yêu thích ngoài đời. Hàng trăm chiếc ghế gỗ của nhà hát đã nghẹt cứng khán giả, có người ngồi trên lối đi bằng những chiếc ghế nhựa, có người đứng xem, cũng có người lót dép ngồi bệt xuống đất hướng mắt về sân khấu… Mẹ tôi và nhiều cô, dì khác ngồi bên cạnh sụt sùi nước mắt khi Nghệ sĩ Lệ Thuỷ vào vai Tô Ánh Nguyệt…
Còn nhớ năm 1998, một lần có dịp về Trần Văn Thời, tôi có xem một triển lãm ảnh về hậu quả của cơn bão số 5 (bão Linda). Những mất mát đau thương được ghi lại bằng hình ảnh bởi các anh chị nhà báo, mà sau này là đồng nghiệp của tôi, lúc ấy đã chạm vào sự đồng cảm, tiếc thương của mọi người cũng tại nhà hát này. Còn nhiều nữa các hoạt động văn hoá, hội thao, hội thi, hội diễn, mít tinh các sự kiện trọng đại của huyện Trần Văn Thời đã được tổ chức tại nhà hát.
Qua thời gian, nhà hát đã xuống cấp, không phát huy công năng sử dụng, không phù hợp với xu thế phát triển nên huyện thống nhất chủ trương san lấp công trình này để làm quảng trường văn hoá. Vậy là nhà hát đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình qua hơn 30 năm cùng đồng hành với những thăng trầm của quê hương. Mới đây, huyện Trần Văn Thời tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập huyện cũng trên eo đất này nhưng khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Với bản thân tôi, cây cầu xanh, nhà hát mãi mãi là miền ký ức đẹp nhất./.
Đỗ Chí Công