(CMO) Dù trí nhớ đã giảm sút nhiều, nhưng Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Liên (88 tuổi), ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước vẫn không thể nào quên được những ngày tang thương khi cùng một năm phải vĩnh biệt người chồng và đứa con trai. Nén đau thương, mẹ Liên gắng gượng nuôi 7 người con và tiếp tục cùng bà con quanh vùng kiên cường chống giặc.
Gia đình mẹ Liên là gia đình có 2 thế hệ Mẹ VNAH. Mẹ chồng và mẹ ruột của mẹ Liên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Chồng mẹ là liệt sĩ Huỳnh Văn Nhậm (tự Sáu Đức), hy sinh vào năm 1972, con trai lớn của mẹ là liệt sĩ Huỳnh Văn Việt, hy sinh năm 1971.
Những kỷ vật của 2 liệt sĩ luôn được mẹ Liên cất giữ cẩn thận. |
Câu chuyện về cuộc đời mẹ Liên là những chuỗi ngày sát cánh cùng quê hương đấu tranh giành lại đất nước. Dẫu đã 88 tuổi nhưng ký ức về chiến tranh, về hoàn cảnh hy sinh của chồng và con vẫn còn in đậm trong tâm trí mẹ, mà mỗi lần nhắc đến mẹ không thể nào cầm được nước mắt.
Gương mặt đã hằn nhiều vết chân chim nhưng giọng nói của mẹ còn rất thanh, âm vang vẫn cứ như hồi còn trẻ. Mẹ Liên kể: “Hồi đó chồng tôi và con trai lớn tham gia kháng chiến. Nửa tháng hay có khi mấy tháng trời tôi mới gặp mặt. Biết nhà có nuôi chứa cách mạng nên tụi nó bắn phá dữ dội, vậy là gia đình tôi phải dọn về trong Ba Vinh ẩn náu. Lúc đó, có ai sợ chết chóc gì đâu, mà cũng không ai lo làm gì, chỉ một lòng đánh đuổi giặc”.
Mẹ nhớ, có lần chồng mẹ bị giặc bắt tra tấn dã man, nhưng may mắn trốn thoát được, mẹ hay tin nên ra nơi ở của chồng để thăm. Mang theo chiếc áo để chồng thay đổi, rồi nhìn thấy những vết thương nằm ngang dọc trên người chồng mà mẹ tuôn trào nước mắt. Chồng của mẹ nói: “Sao mà khóc. Chết thì thôi, chết cho quê hương là xứng đáng mà. Không được khóc, mình phải cố gắng lên để cùng với quê hương chống giặc ngoại xâm”.
Nghe được lời của chồng an ủi, mẹ lau dòng nước mắt rồi trở về nhà với các con. Các trận đánh vào những năm 1970 càng ác liệt hơn. Tin chồng và con cũng thưa dần hơn khi địa bàn hoạt động của họ phải thay đổi liên tục. Vào một ngày cuối tháng 7, bầu trời như tối sầm lại khi mẹ hay tin con trai lớn hy sinh.
Kể đến đây, bàn tay run run của mẹ vội lau dòng nước mắt. Mẹ Liên xúc động nhớ lại: “Ngày đó tôi không thể nào quên được. Nhận tin con trai hy sinh tim tôi như chết lặng. Không biết khóc như thế nào vì con mình đã cùng đồng đội chiến đấu kiên cường. Lúc đó ông nhà tôi cũng hay tin nhưng bận công tác nên không thể nào về nhà được. Chỉ sau đó ít ngày, ông có biên thư gửi về động viên, an ủi tôi”.
Nhận được những kỷ vật, cùng nhiều lá thư chưa kịp gửi về mà lòng mẹ càng quặn thắc vì chưa thể nhìn mặt con lần cuối. Nén đau thương, mẹ Liên gắng gượng tiếp tục nuôi các con còn nhỏ và cùng gia đình nuôi giấu cách mạng. Nhưng lại một lần nữa nỗi đau ấy khứa vào tim mẹ khi hay tin chồng hy sinh đúng vào ngày giỗ đầu của con trai. Nỗi đau chồng chất khi mẹ phải khóc vĩnh biệt muôn đời người chồng.
Cầm trên tay di vật của chồng và con, giọng mẹ Liên nghẹn ngào: “Chắc đến chết tôi mới có thể quên được ngày đó. Đúng vào tháng 7 năm sau là tôi hay tin chồng hy sinh ở Cái Nước. Lúc đó, tôi mất hồn. Nhìn các con tôi càng khóc nhiều hơn vì con trai út của tôi không hề biết mặt cha”.
Những mất mát, đau thương đã biến thành sức mạnh để mẹ Liên và những người Mẹ VNAH khác tiếp tục cùng quê hương viết nên những trang sử hào hùng.
Về nguồn những ngày cuối tháng 7 để cùng nhắc nhớ về một thời oanh liệt, mà ở đó có cả máu của những người đã ngã xuống vì non sông; có cả những hy sinh thầm lặng của những người chị, người mẹ, người bà. Tri ân công lao ấy, các thế hệ hôm nay nguyện tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống anh hùng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương
"Tại xã Hưng Mỹ, có 38 Mẹ VNAH, chỉ 4 mẹ còn sống. Và chỉ mẹ Liên còn minh mẫn, sức khoẻ tốt. Dù 88 tuổi nhưng mẹ còn nhớ nhiều chuyện, kể cả đọc thơ. Thời gian qua, công tác chăm lo cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, gia đình tham gia hoạt động cách mạng luôn được địa phương quan tâm chu đáo", Phó chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ Trần Thị Đang thông tin. |
Hằng My