(CMO) Là lực lượng vất vả ở cơ sở, cũng là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, những người hoạt động không chuyên trách (công tác) ở ấp, khóm luôn đóng vai trò quan trọng cùng với địa phương quản lý địa bàn. Thế nhưng, từ khi áp dụng chế độ, chính sách mới đối với ấp, khóm, công việc càng trở nên khó khăn hơn, nhiệt huyết theo đó giảm đi khi các chế độ bị cắt giảm.
Đã hơn nửa năm kể từ khi thực hiện Nghị định 34/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người công tác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, HĐND tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2020 quy định cụ thể về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. 6 ngành, đoàn thể mỗi ấp, khóm theo quy định mới trên đều phải cắt giảm tất cả kinh phí hỗ trợ.
Chung nỗi niềm
Hàng ngày, ông Lê Thế Tạo (bìa phải) vẫn miệt mài đến từng nhà tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước cho bà con. |
Tham gia công tác ấp gần 8 năm, ông Lê Thế Tạo, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, thuộc lòng từng ngóc ngách ở cơ sở. Với ông, gắn bó với ấp vừa là niềm vui vừa giúp dân mình khi còn có thể. Rồi cùng với sự phối hợp nhịp nhàng, tận tâm, nhiệt huyết của 6 ngành, đoàn thể ấp, khóm bao gồm: công an viên, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, quân sự, chi hội cựu chiến binh, chi hội nông dân đã giúp Kinh Hòn hôm nay chỉ còn 3 hộ nghèo và không còn hộ cận nghèo.
“Mặc dù chế độ phụ cấp không là bao, nhưng đó là niềm vui, động viên tinh thần cho mọi người khi tham gia công tác ấp”, ông Tạo trải lòng.
Thế nhưng, từ khi thực hiện theo quy định mới về cắt giảm chế độ cho những người hoạt động bán chuyên trách, nhất là ở ấp, khóm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động ở địa phương, cơ sở. Trong đó, việc cắt giảm chỉ còn 3 người (bí thư, trưởng ấp, trưởng ban công tác mặt trận ấp) được hưởng sinh hoạt phí, đã khiến công tác trở nên khó khăn.
Ông Tạo thở dài: “Nếu cắt hết sẽ rất khó hoạt động. Địa bàn các ấp đa phần đi lại khó khăn, nếu chỉ còn 3 người sẽ không làm nổi. Do vậy, để uyển chuyển, vẫn duy trì bộ máy hoạt động như trước. Rồi lấy kinh phí mỗi tháng xã cấp 2,5 triệu đồng để chi lại, hỗ trợ cho anh em tham gia hoạt động”.
Theo đó, được biết, trưởng mỗi đầu ngành ấp sẽ được hỗ trợ 520.000 đồng/tháng (trước 894.000 đồng/tháng). Nếu làm nhiều hơn 5 ngày công/tháng, sẽ chi thêm 104.000 đồng/ngày. Riêng đối với bản thân ông Tạo mỗi tháng được gần 1,5 triệu đồng với 2 chức danh Phó bí thư Chi bộ ấp kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Nói về góc độ nào đó, số tiền hỗ trợ hàng tháng đối với mỗi người công tác ở ấp, khóm không là bao, nhưng quan trọng hơn hết là tinh thần trách nhiệm của họ đối với nhiệm vụ chung. Ghi nhận thực tế, từ khi thực hiện quy chế mới theo Nghị định 34/2019, Nghị quyết 25/2019 của HĐND tỉnh, mỗi cuộc tiếp xúc cử tri đều ghi nhận rất nhiều ý kiến của ấp, khóm về những khó khăn khi cắt giảm kinh phí hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Triều, ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, trần tình: “Ấp Chà Là địa bàn rộng, sông ngòi chằng chịt, đi lại khó khăn, dân số đông, có đến gần 1.000 hộ, rất khó để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao khi cắt giảm như vậy. Người công tác ở ấp hiện nay không lương, chỉ có phụ cấp rất thấp, không đảm bảo hoạt động lẫn cuộc sống, cần xem xét cân đối lại để đội ngũ hoạt động hiệu quả hơn”.
Cũng trăn trở đó, ông Trần Bảo Nhỏ, ấp Bà Đập, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, đặt vấn đề: “Không thể hoạt động khi thiếu ngành, đoàn thể ấp. Mặc dù UBND xã đã uyển chuyển, vận dụng, tiếp tục hợp đồng bằng miệng, chi trả theo thoả thuận để duy trì những tổ chức này. Nhưng nếu không may người hợp đồng này chết hay bị tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ thì có giải quyết được chế độ chính sách hay không?”.
Thừa nhận về những khó khăn, bất cập khi thực hiện Nghị định 34/34 cũng như Nghị quyết 25/2019 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Ngô Bá Thành cho biết: “Chủ trương thì vẫn thực hiện nhưng hiện nay rất khó cho hoạt động ấp, khóm. Đầm Dơi có địa bàn rộng, đi lại còn nhiều khó khăn, thật sự vất vả lắm, nhưng chỉ có 3 người được hưởng sinh hoạt phí, còn lại không có gì hết. Hệ thống chính trị theo đó cũng gặp khó khăn. Mỗi đợt tiếp xúc cử tri địa phương đều kiến nghị xem xét lại vì chưa phù hợp”.
Đặc biệt, đối với lực lượng công an viên ấp, nếu không có lực lượng này thật sự khó khăn vô cùng. Khi xảy ra các vụ án, trọng án trên địa bàn (mặc dù công an chính quy được tăng cường về xã) nhưng vẫn không đủ lực lượng, thời gian để có thể bảo vệ hiện trường. Trong khi trước đây lực lượng này đã được tập huấn nghiệp vụ, cả bí thư, trưởng ấp đều không nắm được.
Ông Ngô Bá Thành đề nghị, nên thực hiện khoán, hay hơn chuyện làm kế hoạch, rồi chi trả tiền. Ở ấp, khóm, để xây dựng kế hoạch đâu ai cũng làm được. Tuỳ theo điều kiện ngân sách, khoán kinh phí mỗi tháng cho mỗi ấp, khóm để anh em cơ sở chủ động trong quá trình hoạt động, như vậy sẽ phù hợp hơn./.
Hồng Nhung