(CMO) Tỏ lòng kính quý đức độ và tri ân công lao muôn trượng của Bác Hồ, những năm qua, tại vùng châu thổ Cửu Long đã có hàng trăm địa phương, đơn vị xây dựng, tôn tạo đền thờ Bác. Và tháng 5 thương nhớ này, trước Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 có thêm một công trình mang tên “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với quy mô hoành tráng, uy nghiêm, với nhiều hiện vật quý giá, công trình được xem là bảo tàng thu nhỏ về Bác Hồ. Đến đây, mọi người thêm phút lắng lòng và vun bồi xúc cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.
Từ ý tưởng và ý nguyện xây dựng một địa điểm để mỗi dịp lễ trọng của đất nước, của quân đội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quân khu kính viếng, thương tưởng và báo công trước anh linh Bác Hồ, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công trình toạ lạc phía trước Sở Chỉ huy Bộ Tư lênh Quân khu, mô phỏng theo các công trình kiến trúc truyền thống, mái cong cùng biểu tượng những con rồng uốn lượn.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 gian, mái ngói cong vút, với 4 cột trụ bằng gỗ quý, bố cục trang nghiêm, cổ kính, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ cao và tinh thần giáo dục sâu sắc. Đến đây, người xem không chỉ thấy và đọc những chú dẫn đầy đủ về các hiện vật của Bác Hồ lúc sinh thời đã sử dụng trong sinh hoạt, làm việc, như đôi dép cao su, chiếc máy đánh chữ, bộ quần áo ka ki, mà còn có dịp thẩm thấu đạo đức sáng trong, công lao trời biển cũng như cuộc đời và sự nghiệp cách mang vĩ đại của Bác Hồ đã dành cho Đảng, cho dân, ví dụ như băng cassette ghi âm Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945; 79 chữ ký các sắc lệnh, chỉ thị của Bác. Ngoài ra, trên mỗi bức tường còn có những hình ảnh, câu nói bất hủ của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và hình ảnh Làng Sen miền quê thân thương của Bác.
Trong gian chính Nhà tưởng niệm là tượng Bác, được đúc bằng đá đen Ấn Độ. Lư đồng, bát hương và một số linh vật thờ cúng như 2 con hạc, 2 con rùa, đều đúc bằng đồng từ làng nghề đồng nổi tiếng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh). Bát hương đặt trước tượng Bác đựng những hạt cát trắng mịn, được chuyển vào từ đảo Thổ Chu, hòn đảo tiền tiêu Tây Nam của Tổ quốc. Ngoài ra, còn có chuông và trống đồng, 2 biểu trưng thể hiện uy lực và uy linh. Dọc dài hành lang Nhà tưởng niệm khắc hoạ nhiều hình ảnh, hoạ tiết sống động như hoa sen, bông bụt biểu trưng của xứ Nghệ, Nam Đàn quê Bác. Bao quanh và toả bóng mát Nhà tưởng niệm là những cây đa, cây bồ đề to, cành lá sum suê, tạo không gian thoáng đãng, tĩnh lặng…
Trung tướng Nguyễn Hoàng Thuỷ kiểm tra công trình (người đầu tiên từ bên trái). |
Đáp lại tình thương Bác Hồ dành cho đồng bào Nam bộ “Miền Nam trong trái tim tôi”, sau khi Bác đi xa, nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ đã lập đền thờ, nhà thờ Bác Hồ (theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn vùng có hơn 50 điểm thờ, cúng Bác, trong đó Cà Mau là địa phương xây dựng nhiều Đền thờ Bác). Song, xét về quy mô công trình cũng như số lượng hiện vật trưng bày, giới thiệu, có lẽ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Quân khu 9 dẫn đầu về nhiều mặt.
Một trong số các thủ tưởng dành thời gian, tâm sức phát kiến, sưu tầm các hiện vật và chỉ đạo giám sát công trình, phải kể đến Trung tướng Nguyễn Hoàng Thuỷ, Tư lệnh Quân khu. Trừ khi họp, hội và đi công tác, mỗi ngày Trung tướng Nguyễn Hoàng Thuỷ đều ghé qua công trình Nhà tưởng niệm kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung rất cặn kẽ, chi tiết từng phần việc nhỏ nhất. Tình cờ gặp đồng chí tại công trình, qua trò chuyện, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thuỷ bộc bạch: “Tôi nghĩ, trước công lao trời biển của Bác Hồ, đất nước này có xây dựng bao nhiêu đền thờ Bác cũng chưa đủ. Điều cốt lõi là mỗi chúng ta phải, hãy làm gì theo lời Bác dạy. Thời điểm này cả nước đang ra sức học tập và làm theo Di chúc của Bác, trong đó, toàn quân đang thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi vậy, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Quân khu 9 không chỉ là nơi các ngày truyền thống, ngày lễ, chúng tôi tổ chức báo công với anh linh Bác, mà nơi đây như lăng kính để mỗi cán bộ, chiến sĩ soi rọi và chấn chỉnh bản thân”.
Ngay cạnh Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu đang thi công Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ trong cả nước đã từng cống hiến công sức, máu xương cho vùng châu thổ Cửu Long qua các thời kỳ. Dự kiến công trình này hoàn thành vào cuối năm nay. Còn Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ khánh thành trong tháng 5 này. Như vậy, thời gian tới đến đây, mọi người không chỉ tìm hiểu các di vật, hình ảnh về Bác Hồ, mà còn viếng, tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 9; biết thêm bảng vàng ghi danh những người con trung hiếu vì ĐBSCL mà hy sinh xương máu./.
Hồ Trúc Điệp