(CMO) Ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Qua công tác giám sát, tình trạng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn cao. Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Đặc biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2019, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến trẻ em. |
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, theo số liệu thống kê đến ngày 30/4/2020, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh là 237.130 em. Trong đó, số trẻ em dưới 6 tuổi là trên 111 ngàn trẻ; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em là 3.746 trẻ; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 5.884 trẻ.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có gần 8.000 trẻ em lao động trái quy định pháp luật như: phục vụ quán ăn uống, quán cà phê, quán nhậu, bán tạp hóa, vé số, làm công nhật cho các cơ sở thu mua thủy sản...; toàn tỉnh đã xảy ra hơn 5.000 vụ tai nạn, thương tích là trẻ em, riêng 03 tháng đầu năm 2020 là 310 vụ, với tổng số trẻ em bị tai nạn, thương tích là 5.619 em.
Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 toàn tỉnh đã xảy ra 199 vụ xâm hại trẻ em, có 202 em bị xâm hại (188 nữ, 14 nam). Xâm hại tình dục là 176 vụ, có 179 em bị xâm hại (nữ), trong đó, hiếp dâm trẻ em là 67 vụ, có 70 em; dâm ô trẻ em là 33 vụ, có 33 em; giao cấu với trẻ em là 76 vụ, có 76 em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em 08 vụ, có 08 em; các hình thức gây tổn hại khác 01 vụ, có 02 em.
Nhiều thông điệp được chuyển đến tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến trẻ em |
Từ những thực trạng trên, đại biểu đề nghị các cấp các ngành cần đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và nhất là vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược chương trình dài hạn để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Phương Lài