(CMO) 73 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người con ưu tú của đất nước đã hiến dâng sự sống của mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân ngày càng lan toả sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Bằng nghĩa tình và trách nhiệm, những năm qua, Cà Mau đã và đang tiếp tục làm hết sức mình nhằm ổn định, nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đây được xem là nhiệm vụ chủ yếu trong chăm sóc người có công.
Ngồi trong căn nhà mới, bà Nguyễn Thị Trinh, 70 tuổi, vợ liệt sĩ (ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) vẫn còn bồi hồi xúc động. Với bà, nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước thì gia đình sẽ không thể nào cất được căn nhà khang trang như thế này. Bà Trinh chia sẻ, đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình góp thêm để xây dựng căn nhà mới kiên cố, vững chắc. “Không riêng những ngày lễ, Tết, cán bộ, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình, chúng tôi cảm thấy ấm lòng biết bao”.
Theo Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cái Nước Huỳnh Công Luận, ngoài trợ cấp hàng tháng, các chế độ khác như: BHYT, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, quà lễ, Tết đối với đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở đã cơ bản được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa hoặc sửa chữa. Riêng 25 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Sự quan tâm, chăm lo của thế hệ hôm nay đối với gia đình chính sách thể hiện tinh thần nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” sâu sắc của người Việt Nam.
Hiện nay, do đối tượng chính sách, người có công chủ yếu là những người tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn nên hầu hết các địa phương trong tỉnh cử cán bộ phụ trách công tác thương binh, xã hội đến tận nhà thăm hỏi, động viên, cấp phát tiền trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng theo quy định.
Thắp nến tri ân những anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của tuổi trẻ huyện Cái Nước những ngày tháng Bảy. |
Gần 3 cái Tết về ở nhà mới, bà Nguyễn Thị Vững, vợ liệt sĩ (88 tuổi, Ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc vui mừng. Cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã góp thêm xây dựng căn nhà khang trang. Bà Vững tâm sự, không chỉ hỗ trợ tiền xây nhà, mà các chế độ dành cho gia đình chính sách, cán bộ địa phương đều mang đến tận nhà, giúp bà không phải nhọc nhằn trong việc đi đứng nhận chế độ.
Trong bản Di chúc, Bác Hồ không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến cha mẹ, vợ con của thương binh và gia đình liệt sĩ, người có công với nước, nếu họ mất sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, bị rét...
Để ghi nhớ, đền đáp công ơn to lớn của các liệt sĩ, thương binh và các gia đình có công với cách mạng; góp phần động viên tinh thần và bù đắp những mất mát, hy sinh vĩ đại ấy, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách và các phong trào hành động thường xuyên, thiết thực. 73 năm qua, thực hiện chính sách “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước không chỉ góp phần giúp các đối tượng chính sách xoa dịu nỗi đau mất mát mà còn là cách giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng của ngành lao động, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, tập trung giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Nhất là đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực chăm lo tốt các đối tượng chính sách, người có công./.
Số đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh hiện nay là 109.051 người, thực hiện các chế độ ưu đãi người có công trên địa bàn năm 2020 trên 446 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 2.499 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 134 mẹ còn sống, được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, huyện, TP Cà Mau nhận phụng dưỡng đến cuối đời. |
Thanh Phương