(CMO) Một trong những chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cái Nước lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là tạo việc làm cho 33.300 lao động. Kết quả, có 39.300 lao động nông thôn có việc làm tại các công ty, xí nghiệp ở địa phương và ngoài tỉnh. Cộng với tinh thần cần cù, sáng tạo, tích cực thi đua lao động sản xuất, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 50 triệu đồng/năm.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Cái Nước xác định, để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng/năm, ngoài nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả sẵn có ở địa phương, huyện còn quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thực tế đã qua cho thấy, kể từ khi chuyển dịch sang nuôi tôm, mỗi hộ gia đình chỉ cần 1 lao động là có thể quản lý, chăm sóc vài héc-ta vuông tôm quảng canh, nên lực lượng lao động nông thôn khá nhàn rỗi so với trồng lúa. Vì thế, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu cho lao động nông thôn tìm kiếm việc làm phù với điều kiện, hoàn cảnh mỗi hộ gia đình.
Khu công nghiệp Hoà Trung tạo việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông. |
Thế mạnh huyện Cái Nước có Khu công nghiệp Hoà Trung với hơn 10 công ty chế biến, xuất khẩu thuỷ sản hoạt động, cần một lượng lớn lao động phổ thông thực hiện các khâu sơ chế tôm nguyên liệu, địa phương chủ động phối hợp với các công ty này ưu tiên tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.
Chị Trần Thị Hiên, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, tâm sự: "Do phải chăm sóc gia đình, thường xuyên đưa đón các con đi học, không thể vào khu công nghiệp làm theo ca nên tôi chọn cách lột tôm theo hình thức tính công sản phẩm. Tuy mức thu nhập không nhiều so với làm theo ca, nhưng bù lại không ràng buộc thời gian, có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi đi làm, rất phù hợp với phụ nữ nông thôn". Có thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng, cộng với nguồn thu nhập làm thợ hồ của chồng, kinh tế gia đình chị cơ bản ổn định.
Tại xã Thạnh Phú có cơ sở sơ chế tôm xuất khẩu, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Các lao động được thuê mướn theo hình thức công nhật, tiền công từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Đối với lao động nam làm các khâu nặng nhọc, tiền công được trả cao hơn.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Lâm Việt Triều phấn khởi cho biết: Đối với lao động nông thôn không có tư liệu sản xuất, tuổi đời còn trẻ, không bị ràng buộc người thân trong gia đình, chính quyền địa phương động viên, giới thiệu đi lao động ở các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh, có mức thu nhập cao, giúp bản thân và gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Bà Trương Thị Dung, ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú trước đây kinh tế gia đình khá giả, nhưng do ốm đau phải bán đất điều trị bệnh và trở thành hộ nghèo. Xét thấy hoàn cảnh gia đình bà hết sức khó khăn, địa phương giúp đỡ giới thiệu các con bà đi lao động ngoài tỉnh. Hiện nay, 3 người con của bà có mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng/người, có điều kiện tích luỹ và xây dựng căn nhà khang trang.
Đối với các hộ có đất, địa phương động viên tích cực tham gia lao động sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm; nuôi cua thương phẩm trong ao đầm tôm công nghiệp; duy trì sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm; nuôi cá chình, cá bống tượng; trồng rau màu trên bờ vuông, trong vườn, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm./.
Việt Tiến