(CMO) Còn không đầy 1 tháng nữa Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau về tuyển chọn, đạo tạo trí thức trẻ công tác ở xã, phường, thị trấn sẽ khép lại, kết thúc một chặng đường dài 5 năm. Nhưng đối với các trí thức trẻ thì chừng ấy thời gian là quá ngắn để họ cống hiến sức trẻ của mình cho địa phương sau nhiều năm miệt mài học tập. Biết bao tâm trạng, nỗi niềm tiếc nuối, buồn vui lẫn lộn không chỉ với họ mà còn với chính địa phương nơi họ vừa trải qua 5 năm công tác.
Được biết, thực hiện theo Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tuyển chọn, đào tạo trí thức trẻ của tỉnh về công tác ở xã, phường, thị trấn đã mở ra biết bao nhiêu cơ hội, niềm tin, hy vọng đối với các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Đó cũng là nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho hệ thống chính trị, nâng chất nguồn cán bộ của địa phương, nhất là ở cấp cơ sở.
Điểm sáng của một đề án
Bắt đầu từ năm 2012, sau 3 đợt tổ chức tuyển chọn, toàn tỉnh có 197 trí thức trẻ về công tác tại 78 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đợt 1 có 64 trí thức tham gia, đợt 2 có 32 trí thức và đợt 3 nhiều nhất với 101 người. Tất cả được phân công thực hiện các chức danh công chức cấp xã và một số người hoạt động không chuyên trách trong khối Đảng, đoàn thể xã. Phải thừa nhận rằng, sự góp mặt của họ đã tạo ra điểm sáng, luồng sinh khí mới cho cơ sở, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa. Sự năng động, nhiệt huyết cùng với trình độ năng lực được đào tạo bài bản, họ đã giúp cho các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ ở cơ sở.
Thực tế đã được minh chứng, theo kết quả đánh giá xếp loại của Sở Nội vụ, năm 2018, trong 197 trí thức trẻ có 10 trí thức trẻ được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 73 trí thức trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ, các trí thức trẻ còn lại hầu hết phát huy năng lực, sở trường của mình. Rõ ràng, đề án đến nay đã thật sự phát huy hiệu quả.
Thế nhưng, đề án buộc phải dừng lại do hết thời hạn, cũng đồng nghĩa các trí thức trẻ sắp khép lại “bản hợp đồng” với hành trình 5 năm vượt khó cùng địa phương xây dựng kinh tế, văn hoá, chính trị. Không ít trong số đó bồi hồi, lo lắng vì không biết sẽ về đâu sau khi kết thúc hợp đồng. Chỉ có 36 người được tuyển dụng vào công chức, 1 được giữ chức vụ bí thư xã đoàn và 6 người trúng tuyển vào ngành ngân hàng, giáo viên.
Bạn Lê Thị Tuyết Chi, Phó bí thư Đoàn thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em thiếu nhi xóm biển. |
Như vậy, tính ra chỉ có khoảng hơn 18% trí thức trẻ được địa phương tuyển dụng vào các chức danh công chức cấp xã. Còn lại sẽ đi về đâu? Quá nhiều tâm sức của những người trực tiếp quản lý đề án đã bỏ ra cho một chủ trương đúng hướng. Quá nhiều kinh phí cho gần 8 năm xây dựng, tuyển chọn, đào tạo, chế độ cho 197 trí thức trẻ. Hơn hết là quá nhiều niềm hy vọng của đội ngũ trí thức muốn phục vụ quê hương nhưng… đành khép lại.
Mong một cái kết đẹp
Mặc dù sự lý giải của Phó giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Ngọc Sang khá hợp lý: “Đây là chủ trương của tỉnh và tỉnh cũng rất quan tâm. Khi tuyển chọn các chính sách giải quyết đều đúng quy định, tạo điều kiện các em thi tuyển, kết nạp Đảng với mong muốn các em về cơ sở sẽ phát huy tốt nhất. Chúng tôi rất tiếc nuối vì đào tạo đã 5 năm, các em cũng đã thuộc việc, nhanh nhạy nhưng vướng cơ chế không sắp xếp được vào các vị trí. Các cấp, các ngành đã làm hết trách nhiệm rồi. Điều này đã được xác định ngay từ ban đầu trong đề án, nghị quyết và cũng đã công khai để các trí thức trẻ nắm rõ".
Dù vậy, đây sẽ là kinh nghiệm thực tiễn quý báu để khi kết thúc đề án, các trí thức trẻ có thể sẵn sàng tham gia vào các công việc khác. Đây sẽ là môi trường thuận lợi giúp họ rèn luyện, dù sau này tham gia bất kỳ lĩnh vực nào thì kinh nghiệm này cũng giúp ích chứ không phải là sự lãng phí. Hiện nay, việc làm có nhiều loại hình, kể cả các doanh nghiệp, họ có rất nhiều cơ hội để tham gia.
Ông Sang trăn trở: “Số trí thức trẻ được tuyển dụng sau khi đề án kết thúc rất ít. Gần 200 em này mong muốn vô bộ máy Nhà nước nhưng không có nhiều vị trí, số lượng cán bộ, công chức có giới hạn. Và mới đây, theo Nghị định 34/2019 tiếp tục giảm công chức nữa, không còn chỗ để bố trí. Theo Nghị định 34/2019, cán bộ, công chức cấp xã giảm ít nhất 2 người/xã, hoạt động không chuyên trách giảm từ 8-9 người. Ngoài ra, do quy định về tuyển dụng, qua một số đợt thi tuyển các em không đậu được bao nhiêu".
Được biết, trí thức trẻ có trình độ cao, khi đưa về cơ sở sự đóng góp cho xã đã có những chuyển biến, đáp ứng chủ trương trẻ hoá đội ngũ cán bộ, trình độ chuyên môn nâng cao, nhưng tuyển dụng ít quá, không đúng mong muốn ban đầu của đề án. Tuy nhiên, 5 năm cọ xát, độ tuổi họ đã ngoài 30, để tìm được một công việc ổn định, nhất là ở doanh nghiệp thật không dễ dàng. Họ rất cần một định hướng. Bạn Lê Thị Tuyết Chi, Phó bí thư Đoàn thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, bùi ngùi: “Trước khi tham gia đề án, tôi được biết hết đề án, tuỳ tình hình thực tế của địa phương, sẽ tạo điều kiện cho trí thức trẻ ở lại. Và tôi đã xác định vấn đề này ngay từ đầu. Nhưng chỉ còn 1 tháng nữa là chấm dứt hợp đồng, thật sự tôi cũng không biết làm gì khi không có hướng mở, tạo điều kiện cho chúng tôi”.
Đành rằng sau khi kết thúc đề án, với thời gian 5 năm cũng đủ để họ tích luỹ kinh nghiệm cần thiết để tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm ở nơi làm việc khác nếu xin được việc. Nhưng chắc hẳn rằng, chính quyền địa phương cũng như mỗi trí thức trẻ đều không khỏi tiếc nuối cho một hành trình phấn đấu, cống hiến và đào tạo. Nên chăng, ngành chức năng tiếp tục định hướng, gợi mở, tạo điều kiện, môi trường cho họ có cơ hội phấn đấu, cống hiến cho địa phương cũng như để cho đề án có cái kết thật đẹp./.
Tin từ Sở Nội vụ, trong 197 trí thức trẻ được tuyển dụng từ năm 2012, đến nay có 43 em trúng tuyển vào các chức danh khác nhau. Trong đó, 36 em trúng tuyển công chức các sở, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn. Có 4 trí thức trẻ xin nghỉ việc. Sở Nội vụ chấm dứt hợp đồng 2 đợt: Đợt 1 chấm dứt hợp đồng 44 người, đợt 2 chấm dứt hợp đồng 28 người và đợt 3 dự kiến sẽ chấm dứt 78 người còn lại vào cuối tháng 1/2020. |
Hồng Nhung