(CMO) 70 mùa xuân đi qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Trần Văn Thời luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sự đồng lòng ấy giúp huyện Trần Văn Thời giành được những chiến công vang dội trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
Lịch sử hào hùng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân huyện Trần Văn Thời đã động viên con em của mình lên đường tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. 2.400 liệt sĩ đã hiến trọn đời mình vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, 4.826 người là thương binh, 246 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Suốt những chặng đường đấu tranh giành độc lập, Trần Văn Thời là căn cứ địa cách mạng vững chắc, từng bảo vệ, nuôi chứa, chở che cho các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở lại chiến trường miền Nam sau tập kết để lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nhân dân miền Nam đến ngày toàn thắng.
Hồi tưởng về những tháng năm chiến tranh ác liệt, với chiến dịch khủng khiếp “nhổ cỏ U Minh” của kẻ thù, bà Cao Kim Dân, nguyên Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời giai đoạn 1972-1987, bồi hồi xúc động: "Toàn huyện có đến 77 đồn, bót của giặc đóng; 27 lần chúng rải chất độc hoá học huỷ diệt rừng U Minh, huỷ diệt sông Cái Tàu đến sông Ông Đốc; 12 lần bỏ bom B52; Sư đoàn 21 của giặc càn quét ác liệt, gây đau thương tang tóc... Ấy vậy mà cán bộ vẫn bám dân, dân bám đất, giữ làng với tinh thần một tấc không đi, một ly không rời. Sự đoàn kết, đồng lòng đã giúp huyện vượt qua mọi khó khăn, thách thức".
Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của quê hương Trần Văn Thời. Trần Văn Thời còn là tên đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (năm 1940), được Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định đặt địa danh cho huyện vào tháng 5/1950. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nơi đây đã diễn ra chiến dịch phản gián của các lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (Kế hoạch CM12) đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Tuý cầm đầu. Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận hòn Đá Bạc là Di tích Lịch sử quốc gia.
Trung tâm huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Chí Thanh |
Không giấu được xúc động, ông Bảy Hiền (Lê Minh Hiền, nguyên Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời giai đoạn 1994-1997) kỳ vọng, từng cán bộ, đảng viên phải biết chung sức đồng lòng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, huy động sức dân để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Viết tiếp bài ca xây dựng
Trong kháng chiến, quân và dân huyện Trần Văn Thời đã anh dũng bám đất, giữ làng. Trong thời bình, Đảng bộ và Nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết nội bộ, đồng lòng với quyết tâm xây dựng huyện Trần Văn Thời trở thành vùng kinh tế năng động bậc nhất của tỉnh Cà Mau.
Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời Lê Thị Nhung chia sẻ, từ huyện nghèo, khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân Trần Văn Thời đã đoàn kết, đồng lòng, từng bước xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân huyện Trần Văn Thời đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo Nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đạt được những thành tựu nổi bật.
Nông dân huyện Trần Văn Thời thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.Ảnh: Anh Quốc |
Xác định nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu, huyện Trần Văn Thời đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc chuyển đổi cây, con giống, đưa cơ giới phục vụ nông nghiệp, giảm sức lao động của người dân, nâng cao sản lượng, năng suất lúa hàng năm. Nếu như năm 1976 sản lượng lúa của toàn huyện là 29.000 tấn, hiện nay trên 300.000 tấn. Bên cạnh đó, phong trào trồng hoa màu, cây ăn trái gắn liền với cải tạo vườn tạp, khôi phục diện tích nuôi cá đồng của huyện góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Kinh tế thuỷ sản là thế mạnh, tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng cho huyện Trần Văn Thời. Năm 1976, toàn huyện chỉ có khoảng 20 tàu đánh bắt thuỷ sản, đến nay đã có trên 2.600 chiếc; trong đó, khoảng 1.300 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên, đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ, bám biển dài ngày. Sản lượng khai thác thuỷ sản tăng theo hàng năm, năm 1989 là 9.200 tấn, năm 2019 đạt trên 148.000 tấn.
Trên 300 doanh nghiệp, 4.580 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với tổng vốn trên 833 tỷ đồng cùng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện trên 46 triệu đồng; hộ nghèo giảm từ 19,76% (năm 2006) còn 3,24% (năm 2019).
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn vững chắc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về tư tưởng chính trị, trong sạch về đạo đức lối sống, ngày càng nhiều tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh trong nội bộ Đảng cũng như trong quần chúng Nhân dân.
Trong giai đoạn phát triển mới, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Trần Văn Thời đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ huyện năm 2020 và những năm tiếp theo.
Bí thư Huyện uỷ Lê Thị Nhung xác định: “Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên không được tự mãn với thành tích mà ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình. Chúng ta hãy hành động ngày hôm nay để có được ngày mai với mục tiêu xây dựng huyện Trần Văn Thời cơ bản trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025”./.
Thanh Phương