Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- “Thắng giặc nghèo” không khó
- “Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả
Giảm nghèo toàn diện
Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đã lồng ghép các hoạt động của chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh có 9.569 hộ nghèo, chiếm 3,12%; đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 4.900 hộ nghèo, chiếm 1,60% (giảm 4.669 hộ, giảm 1,52%). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Từ khi triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Cà Mau được tiếp cận 49.259 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án 2: Ða dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững. Trong đó, năm 2022 là 7.592 triệu đồng (Quyết định số 1864/QÐ-UBND ngày 26/7/2022); năm 2023 là 19.129 triệu đồng (Quyết định số 319/QÐ-UBND ngày 1/3/2023); năm 2024 là 22.538 triệu đồng (Quyết định số 389/QÐ-UBND ngày 5/3/2024). Theo Nghị quyết số 06/2022/NQ-HÐND ngày 13/7/2023 của HÐND tỉnh (quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau), các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như U Minh, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn các địa phương khác (đối với nguồn vốn thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế, giảm nghèo bền vững, tỷ lệ phân bổ vốn của 3 huyện chiếm 49,4% tổng số vốn thực hiện dự án).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức kiểm tra các mô hình kinh tế hỗ trợ hộ nghèo để có hướng điều chỉnh phù hợp nếu chưa hiệu quả. (Trong ảnh: Kiểm tra mô hình làm lú ở xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, tháng 7/2024).
Từ nguồn vốn được phân bổ hằng năm, để thực hiện dự án, các địa phương đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án phát triển sản xuất cơ bản phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và phù hợp nhu cầu của người dân (đối tượng thụ hưởng). Nhờ đó, góp phần đáng kể vào kết quả giảm nghèo hằng năm trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các huyện, TP Cà Mau, dự án đã phân bổ cho gần 1.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án với hơn 100 mô hình sinh kế như nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá sặt rằn, nuôi heo thương phẩm, nuôi sò huyết... Trong tổng số hộ tham gia dự án, có gần 900 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (tỷ lệ thoát nghèo, thoát cận nghèo chiếm khoảng 60% số hộ tham gia thực hiện dự án giảm nghèo bền vững).
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thực tế ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bởi đa số hộ nghèo không có đất sản xuất, không có vốn kinh doanh, không có lao động, phương tiện; hạn chế kiến thức, kỹ năng sản xuất; có người ốm đau, bệnh nặng và đông con, có những lao động là người nghèo chưa thật sự chí thú làm ăn, tham gia các lớp dạy nghề để học nghề, tìm kiếm việc làm; thiếu ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Từ đó, dẫn đến không phát huy được tối đa nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Thoát nghèo phải thật bền vững
Cà Mau phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) hằng năm là 0,5%, mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn không quá 1%. Kết quả này sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng, mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khoá XVI đã đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. Các chính sách hiệu quả phải đẩy mạnh thực hiện, tuỳ tình hình thực thực tế để điều chỉnh sao cho kịp thời và hỗ trợ người dân làm kinh tế, thoát nghèo một cách sát sao nhất.
Ðối với việc canh tác trên vùng ngập mặn, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Qua thực tế, lãnh đạo tỉnh nhận thấy vẫn còn đất vùng mặn đã được rửa mặn nhưng dân chưa tận dụng tốt quỹ đất này để tăng gia sản xuất, nên có nhắc nhở cấp uỷ, chính quyền các địa phương chỉ đạo sâu việc này và hiện đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, Huyện uỷ Ðầm Dơi, Huyện uỷ Phú Tân... đã cụ thể hoá chỉ đạo của tỉnh bằng nghị quyết, chỉ thị chuyên đề rõ ràng để Nhân dân địa phương thực hiện, giúp cải thiện kinh tế gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cũng rất quan trọng. Mỗi đơn vị là một mắt xích để tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong các mô hình canh tác và lao động sản xuất. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân đang duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã chủ động các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Cụ thể là quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ phát huy nội lực, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; nhân rộng các mô hình tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững ở cơ sở, xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ và ưu tiên phát triển của địa phương. Từ những mô hình thiết thực cùng với triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế lồng ghép với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... đã góp phần vào thành quả giảm nghèo chung của tỉnh”.
Ðể giảm nghèo bền vững, đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, thành tích, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nhóm đối tượng và có giải pháp phù hợp, linh hoạt trong thực hiện công tác giảm nghèo. Ðồng thời, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; tạo công ăn việc làm tại địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề...
Nhiều mô hình kinh tế tạo việc làm ngay tại địa phương. (Trong ảnh: Mô hình làm lú tại xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi).
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho rằng: “Thời gian tới, các địa phương cần đổi mới cách thức, phương thức và nội dung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tạo việc làm đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, mở các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tỉnh. Công tác tuyên truyền, truyền thông đến tận cơ sở và hộ gia đình nhằm thay đổi tư duy, nhận thức trong việc học nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Sở sẽ tổ chức các buổi, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường lao động và kết nối lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu và giải quyết việc làm trong tỉnh. Tham mưu, trình UBND tỉnh sớm phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai thực hiện hiệu quả việc điều tiết phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS thông qua chính sách tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng, kịp thời triển khai các chính sách giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh”.
Mặt khác, các sở, ngành cũng hiến kế, UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi để sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn xã hội hoá trong dân. Từ đó, đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển sản xuất thông qua thực hiện các dự án, mô hình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Song song sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể... thì ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân là quan trọng nhất. Bà Nguyễn Thu Tư nhấn mạnh: "Tinh thần, trách nhiệm của chính chủ thể hộ nghèo, cận nghèo trong việc mày mò và chịu khó làm kinh tế mới là gốc rễ thoát nghèo. Từ đó, các chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững"./.
Lam Khánh