(CMO) Viên An là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại cho biết: “Viên An là vùng căn cứ địa cách mạng, tuy nhiên, xuất phát điểm và thực tế phát triển còn vô cùng khó khăn. Đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững”.
Năm 2018, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND (NQ 05), ngày 11/7/2018, của HĐND tỉnh quy định một số nội dung thực hiện hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2018-2020 được triển khai tại Viên An với nhiều kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, thực tế lại còn không ít vấn đề băn khoăn.
Giảm nghèo thông tin nhưng không hiệu quả
Cần phải xác định rằng, chính sách hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong những nhận thức mới mẻ, đúng đắn và có thể tạo ra những đột phá mới trong công tác giảm nghèo. Khi bắt đầu triển khai NQ 05, xã Viên An đã tổ chức rà soát, thống kê và ghi nhận tổng số 324 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ giảm nghèo về truyền thông. Qua đó, Sở TT-TT đã cấp 324 đầu thu kỹ thuật số mặt đất cho hộ nghèo, hình thức hỗ trợ là hiện vật. Cẩn thận hơn, xã Viên An thống kê tiếp đối tượng hộ nghèo chưa có phương tiện nghe nhìn, bởi có đầu thu mà không có ti-vi thì không sử dụng được.
Mô hình giảm nghèo từ nuôi dê tại huyện Ngọc Hiển. |
Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số, đa phần hộ không sử dụng được do không thu được sóng. Vấn đề này được Chủ tịch UBND xã Viên An Diệp Thanh Điền thông tin: “Địa phương ghi nhận phản ánh của bà con, sau đó có ý kiến đến các cấp, ngành. Sau đó, bộ phận chuyên môn đã về tìm hiểu nguyên nhân thì xác định xã Viên An là vùng lõm sóng, nên không bắt được sóng và đầu thu không phát huy tác dụng”. Sau khi nhận được phản ánh, xác định nguyên nhân, Sở TT-TT đã cho ý kiến là thu hồi đầu thu kỹ thuật số cho người dân đã cấp. Xã Viên An bàn giao số đầu thu cho Bưu điện huyện Ngọc Hiển để gởi về Sở TT-TT.
Đến tháng 7/2019, Sở TT-TT cấp 6 ti-vi loại 32 inch cho hộ nghèo trên địa bàn xã Viên An. Trong khi đó, rà soát của xã là còn 10 hộ nghèo thiếu ti-vi và 106 hộ nghèo thiếu radio, nếu xét cả 2 tiêu chí thì có tổng cộng 94 hộ. Thế nhưng, ti-vi được cấp cho người dân thì không được hướng dẫn để kết nối, sử dụng. Kết quả là 6 ti-vi được cấp trên địa bàn hầu hết sử dụng sai mục đích, đến thời điểm hiện tại thì hầu hết đã trong tình trạng hư hỏng.
Bà Lư Thị Luyến, ấp Vịnh Nước Sôi A, xã Viên An, 1 trong 6 hộ được nhận ti-vi hỗ trợ, cho biết: “Nhận ti-vi về đâu có bắt được đài nào đâu, cũng không có đầu thu, ăng-ten gì hết. Có thằng con nhỏ nó kết nối sóng 3G, 4G gì đó nó xài. Mà mới đứt loa, hư rồi”. Trưởng ấp Vịnh Nước Sôi Nguyễn Bé Năm chia sẻ: “Mấy cái ti-vi cấp về đâu coi được gì, qua nắm bắt thì hư hết rồi”.
Khi nắm bắt được thực tế tại Viên An, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Sơn Ca vô cùng băn khoăn: “Tại sao không khảo sát trước khi cấp đầu thu, để cấp rồi mới biết là vũng lõm không sử dụng được. Cấp ti-vi phải làm sao coi được, tiếp nhận thông tin được mới có khả năng giảm nghèo thông tin, đằng này bà con cũng không sử dụng được”. Chủ tịch xã Viên An cũng “hạ” một câu nhận định buồn tênh: “Rõ ràng là có hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, nhưng không hiệu quả”.
Địa phương còn lúng túng
Trên thực tế, không riêng NQ 05, nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi về đến cơ sở triển khai thực tế thì nhiều vướng mắc, thậm chí là lúng túng. Điều này thể hiện rõ khi tìm về những hộ dân được hỗ trợ từ NQ 05. Ông Trần Hoàng Linh, ấp Vịnh Nước Sôi A được hỗ trợ nguồn vốn gần 9 triệu đồng để nuôi cua thương phẩm. Đánh giá về hiệu quả, ông Linh bộc bạch: “Thì cũng lớn, thấy lai rai. Bởi con cua, con tôm dưới nước làm sao biết chắc được”. Khi được hỏi, gia đình có rào chắn bảo vệ hay không thì ông Linh lắc đầu: “Rào gì nổi”.
Trong 3 năm qua, Viên An thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo từ nhiều nguồn kinh phí, hơn 1,3 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lê Ngọc Lâm đánh giá: “Các mô hình hiệu quả thì có, nhưng mới thì chưa, đặc biệt là việc nhân rộng cực kỳ khó khăn. Bà con Viên An cũng trong tình hình đó”. Một số mô hình triển khai tại Viên An như nuôi vịt xiêm thương phẩm, nuôi heo bị thất thoát khá nhiều do tình hình dịch bệnh, chưa thể nhân rộng sau khi giai đoạn hỗ trợ kết thúc.
Chủ tịch UBND xã Viên An Diệp Thanh Điền tâm huyết: “Hiện, đang thiếu những mô hình mang tính mới phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Khả năng nhân rộng mô hình là rất thấp. Cách thức hỗ trợ giảm nghèo truyền thông chưa thiết thực, người dân thì chưa có ý thức”. Từ đó, Viên An thiết tha kiến nghị việc hỗ trợ ngay việc giảm nghèo về thông tin cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt là tăng cường phân cấp cho cơ sở lựa chọn và lập dự án căn cứ theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân địa phương, tạo điều kiện để từng địa phương chủ động trong quản lý dự án. Nói theo ông Điền là: “Mỗi lần họp dân lựa chọn đối tượng, triển khai dự án thì xã rất đau đầu. Có điều, sau mỗi mô hình, dự án thì chuyển biến thật sự là chưa khả quan”.
Một vấn đề nữa phát sinh, theo Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Đức Tiến là “chính sách và việc triển khai chính sách chưa đồng bộ, nguồn lực rời rạc, chưa đủ sức để hỗ trợ toàn diện, bền vững cho người nghèo thoát nghèo và thoát nghèo một cách bền vững”. Do đó, một gợi ý được ông Tiến nêu tại Viên An là “ưu tiên lựa chọn những đối tượng nghèo nhưng có khả năng và ý chí thoát nghèo, tập trung phân bổ nguồn vốn của các dự án, không rải đều, cào bằng để rồi tiền dự án hết mà hiệu quả hầu như không có gì”.
Dù có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, khi trong 3 năm, Viên An đã giảm từ gần 11% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4% ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, xã khó khăn bãi ngang này vẫn canh cánh về những hỗ trợ mang tính đột phá, phù hợp, tìm kiếm các mô hình giảm nghèo để nhân rộng trên địa bàn. Đó cũng là băn khoăn, mà NQ 05 khi kết thúc giai đoạn 2018-2020 cần được tính toán để nếu dừng lại hoặc tiếp tục triển khai sẽ vẫn mang lại lòng tin cho xã hội./.
Phạm Hải Nguyên