ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-11-24 06:16:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hợp sức cùng đi lên

Báo Cà Mau (CMO) Tháng 6/2020, xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình) được công nhận NTM, trong đó Ấp 1 được đánh giá tiêu biểu nhất. Có được kết quả này, theo Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc Lâm Thị Trúc Mai, trước nhất phải kể đến vai trò của Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Hồng Tờ và Trưởng ấp Trần Văn Giới.

Ðồng lòng lo việc chung

Vụ mùa năm 2019, Công ty TNHH XNK Ðại Dương Xanh (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề phối hợp với Ấp 1 sản xuất lúa hữu cơ xuất khẩu. Hình thức phối hợp: Công ty sẽ đầu tư toàn bộ lúa giống (OM 2517), phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và yêu cầu canh tác theo quy trình hữu cơ mà công ty đưa ra. Công ty cử 2 kỹ sư trực tiếp bám sát địa bàn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Khi thu hoạch lúa, công ty bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá 5.900 đồng/kg (cao hơn bên ngoài khoảng 1.000 đồng). Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Hồng Tờ và Trưởng ấp Trần Văn Giới tích cực thuyết phục bà con tham gia. Song song đó là xúc tiến lo thủ tục, nhân sự thành lập HTX kênh Ðông Xuân để có đầu mối ký hợp đồng với công ty và để bà con được hưởng quyền lợi khi vào HTX.

Cuối vụ, 35 ha lúa của 42 hộ trong HTX thu được 199 tấn, tương đương 40 giạ/công tầm lớn (cao gấp đôi các hộ bên ngoài, có hộ hơn 50 giạ/công), đạt chỉ tiêu công ty đặt ra. Trừ chi phí, người dân bỏ túi mỗi héc-ta thấp nhất 20 triệu đồng. Thành công này ngoài mong đợi của bà con. Thành viên HTX ai nấy hết sức phấn khởi, uy tín của bí thư chi bộ và trưởng ấp càng tăng.

Kỹ sư Lê Văn Mẫn, người của công ty, cho biết, vụ trước công ty đã hợp tác với 2 ấp lân cận nhưng không mang lại kết quả. Có được thành công này là nhờ công rất lớn của lãnh đạo ấp trong tuyên truyền, vận động để bà con đồng tình liên kết; đặc biệt tuân thủ đúng quy trình công ty yêu cầu, từ làm đất, xuống giống đồng loạt, bón phân, bơm nước, thu hoạch…

Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Hồng Tờ phân trần: “Thật ra ở đây sản xuất lúa - tôm đã nhiều năm nay. Tuy năng suất chưa cao nhưng có rạ cho tôm ăn. Giờ cũng duy trì làm lúa, lại được đầu tư toàn bộ, nếu trúng mùa còn có thêm nguồn thu nhập, thất thì được khoanh giảm nợ, được tái đầu tư. Thấy được ưu thế này, chúng tôi ra sức vận động bà con tham gia”.

Và vụ mùa vừa rồi, do ảnh hưởng mưa bão gây ngập kỷ lục, lúa HTX bị thất thu, công ty đã giảm giá giống (từ 12.000 đồng/kg xuống còn 9.000 đồng) và khoanh nợ, tiếp tục đầu tư cho bà con làm vụ tới như lời hứa. Vì vậy, bà con rất phấn khởi và càng có thêm niềm tin vào HTX, vào sự liên kết, đặc biệt là lãnh đạo ấp.

Không chỉ chuyện sản xuất này, nhờ sự hợp sức, đồng lòng của bí thư chi bộ, trưởng ấp cùng các tổ chức, đoàn thể mà ấp làm được rất nhiều việc ý nghĩa như lộ làng, vệ sinh môi trường, trồng hàng rào cây xanh, xoá nghèo… trở thành điểm sáng của xã.

Tận tâm, gương mẫu

Trong câu chuyện dài đầy gian nan thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu NTM mà lãnh đạo ấp đóng vai trò nòng cốt, lắm chuyện nhắc lại còn cười ra nước mắt. Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Hồng Tờ kể: “Chuyện xoá cầu tiêu trên sông, trên ao khó khăn vô cùng. Do tập quán làm cầu tiêu trên sông, trên ao đã có từ lâu đời nên mình đi vận động, bà con bảo bày vẽ. Riết rồi, hễ thấy đoàn chúng tôi tới là họ nói “rồi mấy cha cầu tiêu tới nữa rồi”. Nhưng mình vẫn dẹp tự ái, làm vì cái chung”.

Hỏi cách thuyết phục, ông Tờ bảo: “Bà con nghĩ, đi bao nhiêu cá ăn hết, như vậy là sạch. Chúng tôi phân tích: trong con người đủ thứ mầm bệnh, khi đi xuống con cá ăn vào và tích tụ, người lại ăn cá sẽ lây truyền bệnh tật... Kiên trì, nhẫn nại vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích của bà con, một lần không thuyết phục được thì nhiều lần, riết rồi họ cũng nghe ra”.

Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Hồng Tờ cho biết, sử dụng phân vi sinh hữu cơ trong  quy trình sản xuất lúa hữu cơ đạt hiệu quả cao.

Nhưng đó chỉ là “một vế”, cái quan trọng song song với “phá” thì phải “xây”. Ðể tạo điều kiện cho bà con làm lại cầu tiêu hợp vệ sinh, ấp phải tính toán, huy động nhiều nguồn, từ vốn cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên… Ðối tượng nào, tạo điều kiện nguồn hỗ trợ đó. Rồi xét đề nghị cho vay vốn ngân hàng… Nhờ vậy mà mọi thứ ổn thoả, bà con vui vì có được cầu tiêu hợp vệ sinh mà cũng nhẹ lo toan tiền bạc, lãnh đạo ấp vui vì hoàn thành nhiệm vụ, xóm ấp văn minh.  

Hay chuyện giảm nghèo cũng lắm thứ đau đầu. Ấp có 25 hộ nghèo, đủ thứ hoàn cảnh, trong đó có 17 hộ dân tộc không đất, ban lãnh đạo ấp phải ngồi lại xem xét, tính toán từng trường hợp cụ thể hỗ trợ gì, giúp như thế nào… Hộ dân tộc không đất thì xin hỗ trợ chính sách của Nhà nước mua đất ở (có 11 hộ được giải quyết), rồi tính toán nguồn cho bà con vay cất nhà (trả dần), tính chuyện làm ăn phù hợp từng điều kiện hoàn cảnh. Hộ có nhà vận động cải tạo xung quanh trồng rau, nuôi gà, vịt bán xoay xở hàng ngày. Có hộ cho vay tiền sắm xuồng, máy bán đồ tươi. Có hộ cho vay tiền mua xe chạy xe ôm. Thanh niên nam nữ thì vận động đi lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có hộ thuê, mượn đất người thân sản xuất... Chi bộ họp phân công đảng viên phụ trách từng cụm.

Ðến nay, ấp đã xoá hết hộ nghèo; thậm chí hộ anh Lâm Thiên, Lâm Tiến mượn đất bên vợ nuôi trăn, nuôi cá sấu... giờ trở thành hộ khá giả. Anh Trần Văn Y (46 tuổi), bị bệnh tai biến vợ bỏ, con nhỏ được hỗ trợ 150.000 đồng/tháng mua gạo… giờ sức khoẻ tốt, đã được giúp vốn đi bán vé số, con trai đã đủ tuổi lao động, đi chở bia cho đại lý; thu nhập của hai cha con đủ mức thoát nghèo.

Có một điều mà Bí thư chi bộ Lê Hồng Tờ và Trưởng ấp Trần Văn Giới luôn ý thức, đó là bản thân mỗi người phải gương mẫu. Hết lòng với công việc là một chuyện, nhưng gia đình phải tiêu biểu, đặc biệt phải làm kinh tế giỏi thì nói bà con mới nghe. Cũng vì vậy mà ông Lê Hồng Tờ (67 tuổi) có 42 năm đảm nhiệm công việc ở ấp, trong đó có đến 20 năm làm bí thư; ông  Trần Văn Giới (tuổi 56) được tín nhiệm nên đã làm trưởng ấp suốt 16 năm qua.

Nhờ ruộng có bờ bao kiên cố, nên đợt mưa bão ngập kỷ lục vừa rồi ông Giới bơm được nước cứu lúa và thu hoạch đạt hơn 30 giạ/công.

“Tôi trước công tác ở Quân khu 9, nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, 3 người anh hy sinh, 2 người anh là thương binh, nên năm 1978 tôi phục viên về sớm hôm với mẹ và tham gia công tác ấp. Lúc đó đất có nhưng đời sống khổ lắm, mình về phải làm đủ thứ để phát triển kinh tế gia đình. Hồi ấy làm ở ấp đâu có lương bổng, thù lao gì, nhưng nghĩ mình gia đình truyền thống cách mạng nên tiếp tục tham gia công tác, góp phần xây dựng quê hương”, ông Tờ chia sẻ.

Và thời nước ngọt, những năm 1990, ông đã nuôi 12 ao cá chình, bống tượng, mỗi đợt lên cá thu nhập mười mấy cây vàng. Nhờ vậy mà cất được nhà cửa khang trang, lo cho con cái riêng tư, có vốn liếng làm ăn. Giờ nuôi tôm, mỗi năm với 3 ha mang về nguồn thu trăm ngoài hai trăm triệu, lúa hơn 30 triệu đồng.

Hết lòng, tận tâm, gương mẫu nên ông nhận được bằng khen về thành tích đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp tỉnh là điều dễ hiểu.

“Trưởng Ấp 1 Trần Văn Giới “còn dữ hơn”, vợ chồng ai cũng giỏi: trúng tôm, trúng cá, trúng lúa. Có 4 con thì 2 ra trường đi làm, 1 đứa mới vào đại học, 1 đứa đang học phổ thông”, theo lời giới thiệu của Bí thư chi bộ Lê Hồng Tờ.

“Ði lo việc ấp thì thôi chứ về nhà là tôi làm dữ lắm”, Trưởng ấp 1 Trần Văn Giới bộc bạch. Vì vậy mà từ 1 ha đất sản xuất ban đầu giờ ông có trong tay hơn 4 ha. Chuyển dịch nuôi tôm nhưng ông vẫn làm bờ bao kiên cố giữ nước ngọt nuôi ao cá chình, bống tượng, mỗi lần thu hoạch được trăm ngoài hai trăm triệu. Cá tạp, như thác lác, cá chim, cá vồ… cũng mấy ao;  rau cải, gà vịt đầy đủ, khách tới là có sẵn để đãi. Còn làm lúa, nuôi tôm thì có thể coi là số 1 của ấp, kể cả xã, huyện. Tôm năm nào cũng trên 300 triệu đồng, lúa đều đều 30-40 giạ/công. Khi liên kết làm hữu cơ đạt trên 50 giạ/công. Vụ mùa vừa rồi, bà con bị ngập lụt thất bại, nhưng ông vẫn thu hoạch mỗi công được hơn 30 giạ nhờ làm bờ bao kiên cố và nhiều kinh nghiệm đúc rút được.

Vị trưởng ấp này được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và thường xuyên được huyện mời đi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nhiều nơi.

Tôi đem câu chuyện về 2 vị “đầu tàu” của Ấp 1, xã Tân Lộc Bắc kể cho nhiều người nghe, được họ xuýt xoa: “Nếu nơi nào cũng có người tâm huyết như vậy thì chắc chắn bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc”./.

 

Huyền Anh

 

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.

Bạn cùng trường

Chiếc xuồng giao liên đưa tôi vào con rạch, gọi là Rạch Hàng, con rạch dẫn sâu vào rừng U Minh, để nhập trường, Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố.