ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 31-10-24 09:20:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Báo Cà Mau Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những câu chuyện cuộc đời

Năm 1954, Bác sĩ Nguyễn Văn Thể được 12 tuổi, tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Học hết cấp 3, ông xung phong đi bộ đội 3 năm (Sư đoàn 330 của Ðại tá Ðồng Văn Cống, trên địa bàn Thanh Hoá). Ra quân năm 1964, ông được Uỷ ban Thống nhất Trung ương chọn cho thi và đậu vào Trường Ðại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp, ông được cho về miền Nam công tác.

“Lúc đi về Nam, tất cả giấy tờ, đồ đạc cá nhân gửi lại hết cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương; mặc đồ giải phóng quân, ba lô thì toàn sách chuyên môn. Hơn 50 năm rồi, mình cũng không nghĩ sẽ có ngày được nhận lại nó...”, Bác sĩ Nguyễn Văn Thể xúc động.

Trong danh sách hồ sơ đi B tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, tôi chú ý một dãy tên có cùng họ Lâm. Lần theo đơn xin nhận lại hồ sơ của thân nhân, tôi liên hệ được ông Lâm Ngọc Thuấn (sinh năm 1951, Khóm 4, Phường 4, TP Cà Mau).

Ông Thuấn kể, gia đình ông có đến 7 người đi tập kết. Cha ông là Lâm Thế Phương, sinh năm 1913. Thời điểm tập kết, cha ông là Trưởng ban Tuyên huấn Công an tỉnh Bạc Liêu, được phân công làm trinh sát bí mật bảo vệ an ninh bến Sông Ðốc. Sau cùng ông mới lên tàu đi tập kết.

Di ảnh ông Lâm Thế Phương và vợ là bà Lý Thị Phuông.

Di ảnh ông Lâm Thế Phương và vợ là bà Lý Thị Phuông.

Quá trình ra Bắc, cha ông học tập và công tác ngành thuỷ sản. Năm 1973 thì nghỉ hưu, trở về miền Nam. Khi giải phóng, cha ông lại tiếp tục được trưng dụng công tác ngành thuỷ sản, mãi đến năm 1986, khi đã 73 tuổi mới về hưu lần 2.

Ông Lâm Thế Phương có 3 người em là: Lâm Thế Viễn, Lâm Ngọc Trâm, Lâm Thế Lượng; 2 người con là: Lâm Bá Thảo, Lâm Quang Khải và rể Ngô Thiện Ðảnh đi tập kết và lần lượt đều đi B. Trong đó, ông Lâm Bá Thảo sau này là Tỉnh uỷ viên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu); ông Ngô Thiện Ðảnh là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau giải phóng.

Ông Lâm Ngọc Thuấn bùi ngùi: “Lúc ba tôi đi, mẹ và 5 người con ở lại, khi ấy tôi mới 3 tuổi; người chế thứ tư là vợ anh Ngô Thiện Ðảnh, con còn rất nhỏ. Sau này có lần tôi hỏi ba, sao không cho đi hết, ba tôi nói tiêu chuẩn thì đủ, nhưng gia đình mình đi đông rồi nên phải ở lại bớt, nhường suất cho các đồng chí khác. Mẹ tôi ở nhà tần tảo nuôi con và chung thuỷ cho tới ngày tái hợp chồng. Chế Tư cũng thế. Căn nhà gia đình tôi (tại nơi này), cũng là cơ sở của cách mạng”.

Ông Lâm Ngọc Thuấn sau giải phóng công tác trong ngành thuỷ sản cho tới khi về hưu (năm 2011). 

Ông Lâm Ngọc Thuấn nâng niu và tự hào về Huân chương Kháng chiến của ba mình là ông Lâm Thế Phương, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Ông Lâm Ngọc Thuấn nâng niu và tự hào về Huân chương Kháng chiến của ba mình là ông Lâm Thế Phương, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Chia sẻ về việc sẽ nhận lại hồ sơ đi B của những người thân trong gia đình, ông Thuấn bày tỏ: “Tôi được thông tin này từ đứa cháu làm bên ngành thuế, nhờ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh gửi danh sách qua để thông báo rộng rãi nên nó biết. Mừng vui lắm! Ba tôi là người về sau cùng trong gia đình, năm 1973, tính ra đến nay cũng hơn 50 năm. Vậy mà hồ sơ, kỷ vật Nhà nước còn lưu giữ và chuyển về trao lại cho gia đình thì quý vô cùng. Dù những hồ sơ, kỷ vật chỉ là những tấm giấy hay hiện vật không có giá trị vật chất lớn, nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần. Ba tôi chính là người vận động anh chị em trong nhà đi làm cách mạng. Các con cũng theo gương ba tham gia công tác hết. Những hồ sơ, kỷ vật được trao trả sẽ làm sống lại một thời kỳ lịch sử của đất nước và truyền thống cách mạng của gia đình, đáng quý và rất tự hào!”.

Nỗ lực trao trả hồ sơ

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau, thông tin, theo danh sách Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bàn giao thì tỉnh Cà Mau nhận về 461 hồ sơ đi B của tỉnh Bạc Liêu trước đây (bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay). Những hồ sơ này đã được nhận về từ năm 2013, 2014. Khi đó nghe nói có thông báo trả, nhưng chỉ 4 người (sinh sống ngoài tỉnh) đến nhận. Số còn lại vì không có thân nhân liên hệ nên lưu kho.

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau, cho biết, phông hồ sơ là phông Uỷ ban Thống nhất Chính phủ.

“Mấy tháng trước, khi tôi về tiếp nhận công việc, thấy hồ sơ tồn đọng số lượng lớn quá nên tham mưu Sở Nội vụ tiếp tục thông báo. Chúng tôi làm công văn, kèm theo danh sách và Giám đốc Sở Nội vụ ký ban hành văn bản gửi tất cả các cơ quan trong tỉnh và gửi UBND các huyện, TP Cà Mau yêu cầu triển khai xuống tới từng xã, phường để thông báo rộng rãi; đồng thời gửi luôn cho tỉnh Bạc Liêu để họ thông tin cho người đi B hoặc thân nhân hay, đến nhận”, ông Toàn chia sẻ.

Sau khi tiếp tục thông báo, đã có thêm 5 người liên hệ xin nhận hồ sơ. Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong quá trình sưu tầm tư liệu, hiện vật, có được thông tin của nhiều người tập kết nên đã kết nối, thông tin thêm được cho 17 người.

Ông Toàn cũng cho biết, trước đây đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ, hiện nay vẫn tiếp tục duy trì, đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ gửi danh sách đến các tỉnh trong khu vực để nhờ họ thông tin, cố gắng trả được nhiều nhất có thể số hồ sơ này.

Mỗi hồ sơ tuy là những mảnh giấy, hiện vật vô tri vô giác, nhưng đằng sau nó là một câu chuyện cuộc đời người đi tập kết. Những hồ sơ này có thời gian nhận từ những năm 1959 đến trước ngày giải phóng đất nước, tính ra cũng 50 năm trở lên. Thời gian đủ một người trẻ trưởng thành và lên chức ông bà. Người trực tiếp nhận hồ sơ không còn nhiều, nhưng với họ, đây là món quà ý nghĩa giúp sống lại một giai đoạn bi thương nhưng cũng đầy tự hào, ngời sáng phẩm chất của những người Việt Nam yêu nước.

Còn đối với con cháu thay mặt nhận, hiểu hơn những sự hy sinh to lớn vì độc lập dân tộc của cha ông mình, trân trọng hơn giá trị của hoà bình, có thái độ sống và cống hiến tích cực hơn.

Ông Toàn cũng cho biết, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã tham mưu và UBND tỉnh ban hành văn bản phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức trưng bày hồ sơ đi B tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 sắp tới, để thông tin rộng rãi thêm cho nhiều người biết và đến nhận. Ðồng thời đang tính tới phương án trao trả hồ sơ, hiện vật tại cầu truyền hình trực tiếp của buổi lễ.


Hồ sơ đi B là hồ sơ của cán bộ đi B từ năm 1959-1975, gồm giấy tờ, bằng cấp, kỷ vật... mà trước khi đi B được gửi lại Uỷ ban Thống nhất Trung ương. Cán bộ đi B là người đi tập kết và người miền Bắc được đưa vào miền Nam theo yêu cầu cách mạng, chủ yếu là y, bác sĩ, cán bộ khoa học - kỹ thuật, giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ... (lĩnh vực quân sự, gọi là bộ đội đi B, do Bộ Quốc phòng quản lý riêng).

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, sau ngày đất nước thống nhất, có khoảng 72 ngàn hồ sơ đi B được đơn vị quản lý và trao trả. Ðến nay, vẫn còn hơn 35 ngàn hồ sơ chưa có người nhận.

Ðược biết, ngoài hệ thống thông báo của các tỉnh, hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng thông báo trên cổng thông tin điện tử của đơn vị để bản thân cán bộ đi B và người thân biết, đến nhận hồ sơ.


 

Huyền Anh

 

“Hẹn ngày trở về” - Nguồn cảm hứng với văn nghệ sĩ

Sau hơn 2 tháng phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) với chủ đề “Hẹn ngày trở về”, do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, đã nhận được 85 tác phẩm (trong đó có 61 bài ca vọng cổ và 24 ca khúc).

Ðợi chờ

(Viết tặng chị Khương Kim Xuyến - Người phụ nữ miền Nam)

Hành trình thu thập hiện vật - Những câu chuyện đẫm nước mắt

Để cầm trên tay những hiện vật, tư liệu của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc là cả một hành trình dài với nhiều kỷ niệm xúc động của những cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Cải tạo diện địa khu tập kết

Đối phương rút đi, gỡ máy đèn và phá ống nước, huỷ hoại nhiều công trình công cộng nhằm gây khó khăn cho ta. Ta giành lại máy điện, sửa chữa máy nước, sửa các công trình cộng đồng, bảo vệ cầu, sửa đường sá, dọn dẹp rác rưởi và cất thêm trường học.

Nhớ ngày đi tập kết

Tôi gia nhập đơn vị địa phương quân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Bạc Liêu, chưa tròn năm thì Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Ðông Dương được ký kết. Ðơn vị tôi cùng đơn vị địa phương quân huyện An Biên và một bộ phận tân binh học viên Trường Quân sự Tỉnh đội Bạc Liêu hợp thành một đại đội biên chế trong Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, thuộc miền Tây Nam Bộ, để chuẩn bị tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Chôn giấu vũ khí lúc tập kết

Lúc ta chuyển quân tập kết, tôi là Tỉnh uỷ viên Bạc Liêu. Các anh nói: “Ta chuẩn bị chiến tranh nên phải tìm cách chôn giấu vũ khí để lại”. Tôi được Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu giao nhiệm vụ này.

Những trường trung học kháng chiến Nam Bộ chuẩn bị đi tập kết tháng 10/1954

Cuối năm Giáp Ngọ 1954, hàng trăm nam, nữ học sinh của các trường trung học kháng chiến Nam Bộ, phần lớn ở theo ngọn sông Cái Tàu, sông Ông Ðốc và Bảy Háp, khẩn trương thu xếp mọi thứ để chuẩn bị đi tập kết.

“Nhắn ai luôn giữ câu nguyền…”

Tôi muốn mượn lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao cùng viết lời) để kể câu chuyện về những người phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước chia cắt sau Hiệp định Giơnevơ mà phận đời của họ gắn liền sự kiện tập kết năm 1954, với sự hy sinh âm thầm và tấm lòng sắt son, chung thuỷ.

Tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại huyện Thới Bình - Tiếp lửa truyền thống

Xác định hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) có ý nghĩa và tầm vóc hết sức to lớn, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thới Bình phấn khởi, vinh dự và tự hào là 1 trong 2 điểm diễn ra sự kiện này của tỉnh Cà Mau. Với quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể cấp huyện, các xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các hoạt động theo kế hoạch của sự kiện.

Tổ chức các hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (15/10), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Cà Mau long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm của thanh niên Cà Mau thực hiện các công trình, phần việc nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 và chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Cà Mau lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029.