(CMO) Trước khi tôi đến tìm ông, các anh trong Hội Chữ thập đỏ TP Cà Mau có dặn phải hẹn trước thời gian cụ thể bởi ông ấy làm việc rất nghiêm túc. Hôm sau, tôi dậy chuẩn bị từ rất sớm. Trên đường đi, tôi và anh Huỳnh Thanh Long, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố phải qua một con sông, 2 chiếc xe máy nối đuôi chạy ngoằn ngoèo hơn 600 m mặt đường bong tróc, trơn ướt thì gặp ông chạy xe theo chiều ngược lại.
Vừa thấy chúng tôi, ông hờn mát: - Hẹn 8 giờ, không thấy ai đến nên tôi vô cơ quan. Đang gấp làm báo cáo năm gửi uỷ ban rồi còn vận động xin ít xe lăn cho bà con…
- Tụi em đi cũng sớm lắm, nhưng vì đón phà qua sông thành ra trễ 8 phút, anh Ba thông cảm nghe.
Cách xoa dịu của anh Long khá hiệu nghiệm nên ông chỉ phì cười, rồi cả 3 cùng nổ máy cho xe men theo con lộ nhỏ, chẳng mấy chốc đến nhà ông.
Mặc dù không thường xuyên nhưng ông tranh thủ cùng các thành viên trong bếp ăn từ thiện chuẩn bị cho các suất ăn giàu dinh dưỡng. |
Bên trong căn nhà khang trang, vật dụng được bố trí ngăn nắp. Phòng khách có rất nhiều khung hình các thế hệ, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp khuyến học, vì sự nghiệp nhân đạo, vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam… được treo trang trọng. Chủ nhân của ngôi nhà tinh tươm, ngăn nắp ấy là ông Quách Vĩnh Sanh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Phường 8. Mọi người vẫn hay gọi là ông Ba Sanh (trong gia đình ông thứ 3), ông chủ tịch hội toàn cầu (kết nối hoạt động hội và sự thiện nguyện ra thế giới), ông bao đồng…
Như đoán được nội dung của cuộc hẹn, ông Ba Sanh ái ngại: “Nhà báo ghé chơi thôi. Nước mình vô số người làm việc thiện đó chớ. Mỗi ngày tôi làm một việc thiện thì quanh năm tôi đều có được niềm vui, thành ra cứ làm tới chứ có gì đâu mà phô trương”.
Đúng là nước Việt Nam nhiều người làm từ thiện, tỉnh Cà Mau có hàng ngàn người làm từ thiện, nhưng không lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, trục lợi mà thực sự phát tâm làm từ thiện và làm từ thiện ở tuổi đời còn khá trẻ thì lại rất ít. Ông Ba Sanh hội đủ cả 2 yếu tố.
Hơn 40 năm trước, tại xóm Phước Kiến (hiện là đường Trương Phùng Xuân, Khóm 4, Phường 8, TP Cà Mau), chàng thanh niên gốc Hoa Quách Vĩnh Sanh thích lui tới các đám tang để xem cúng bái, tẩm liệm, phá quàn; hoặc say sưa nhìn các cô chú duyên dáng dẫn chương trình trong các buổi lễ thành hôn.
Học lóm được chút nghề, lại được các bậc cha chú chỉ dạy nên dù đang làm việc ở Văn phòng UBND Pphường 8 nhưng khi gia đình có người thân mất, không rõ tục lệ tẩm liệm, ông Ba Sanh vẫn xắn tay vào giúp hoặc chạy đầu trên, xóm dưới kiếm ván đóng hòm. Đơn giản là vì ông chỉ "mong lo cho người chết được tươm tất, xem như an ủi họ phần nào khi từ giã trần thế". Cứ thế, hơn mấy mưới năm qua, ông Ba Sanh âm thầm chu toàn hậu sự cho những người không quen biết cần giúp đỡ.
Với năng lực và kinh nghiệm qua nhiều vị trí công tác, lại thêm có tấm lòng nhân hậu hay giúp người nghèo, nên ông Ba Sanh được lãnh đạo địa phương vô cùng quý mến, tin tưởng giao giữ chức Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Phường 8, đến nay cũng được 9 năm.
Ông Ba Sanh khiêm tốn: “Những việc tôi làm được đều nhờ có sự đồng thuận của đồng nghiệp, của Đảng uỷ, UBND phường và Nhân dân ủng hộ. Tôi nghĩ mình may mắn hơn rất nhiều người khác, nên có thể giúp đỡ được ai thì cố gắng làm”.
Bí thư Đảng uỷ Phường 8 Võ Hoàng Nam rất trân quý tấm lòng và sự nể phục nhân cách sống, những đóng góp thầm lặng của ông Ba Sanh: “Năm nay phường giảm 11 hộ nghèo. Trước đây, số hộ nghèo của phường rất nhiều, nhưng giờ chỉ còn 16 hộ, chiếm 0,2% dân số. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của ông Ba Sanh”.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Cà Mau Huỳnh Trúc Sơn cũng dành tình cảm quý trọng đối với ông Ba Sanh: “Ông đã 74 tuổi nhưng rất say mê làm từ thiện. Công viện thiện nguyện ông làm vượt qua rào cản về thời gian và địa lý. Hễ có trường hợp khẩn cấp hay có nhà hảo tâm muốn hỗ trợ, ông Ba Sanh đều có mặt”.
Tôi hỏi, ông suy nghĩ như thế nào về công việc từ thiện, như chạm phải mạch cảm xúc, ông bảo: “Làm từ thiện không được có thái độ ban ơn, không gọi là bố thí mà phải xuất phát từ tình thương yêu Nhân dân, tha thiết cùng góp phần bảo vệ sức khoẻ Nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Đồng nghiệp, bà con chòm xóm của ông Ba Sanh đã quen với sở thích rong ruổi nhiều nơi của ông để quan sát, tìm hiểu. Khi thấy những đối tượng không may mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình rơi vào bế tắc, tim ông Ba Sanh thắt lại, thôi thúc ông phải làm gì đó để giúp đỡ, chia sẻ với họ dù chỉ là túi gạo hay thùng mì. Cứ giúp đỡ được một gia đình vượt qua khó khăn, một em nhỏ tiếp tục đến trường là ông Ba Sanh rất vui.
Nhiều năm nay, ông dùng toàn bộ số tiền hơn 50 triệu đồng từ thù lao hoạt động hội và làm chủ lễ cho các đám cưới, hỏi để làm từ thiện. Bởi quỹ hoạt động của hội chữ thập đỏ cơ sở một năm rất khiêm tốn so với số hộ cần giúp đỡ.
Tuy nhiên, số tiền tích góp ấy cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế cần sự hỗ trợ. Để không ai bị lãng quên, ông trăn trở, suy nghĩ tìm cách kết nối và duy trì mối quan hệ với các mạnh thường quân trong và ngoài nước để kêu gọi, vận động trợ giúp cho các gia đình, hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.
Khi cuộc sống gia đình riêng còn nghèo, ông Ba Sanh đã làm từ thiện, nay 5 người con đều có gia đình và công việc ổn định nên ông càng toàn tâm, toàn lực làm từ thiện. Nơi ông nghĩ đến là bệnh viện, người mua phế liệu, người bán vé số, học sinh, sinh viên thuê trọ... Để giúp được họ, ông Ba Sanh đã gắn kết với thành viên trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà, TP Hồ Chí Minh xây dựng bếp ăn từ thiện. 6 năm qua, bếp ăn luôn đỏ lửa, mỗi ngày cung cấp 200 suất ăn miễn phí cho học sinh, sinh viên, người lao động hay người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện tại TP Cà Mau.
Từ “nghề đi xin” để “đi cho”, ông Ba Sanh đã giúp hàng ngàn gia đình nghèo có nhà mới; xóm ấp được nối đôi bờ từ những chiếc cầu bê-tông vững chãi; người bệnh được phẫu thuật tim kéo tuổi thọ; học sinh, sinh viên không bị nghỉ học giữa chừng; trao “đôi chân” cho người khuyết tật có phương tiện và động lực sống.
Cùng xóm có bà Bảy Hường (Trương Thị Hường), từng là Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ của khóm. Chồng chết, bà phải xoay xở lo cho các con ăn học, không may bà mắc bệnh, liệt nửa người. Hay tin, ông Ba Sanh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, an ủi, vận động trao quà, gạo nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình bà.
Ông Ba Sanh có thói quen, vừa đến cổng rào hay đến cửa, đã gọi to: - Chị Bảy ơi, có nhà hông? Hôm nay, tôi đem xe lăn tới cho chị đây! Nghe giọng, biết là ông Ba Sanh đến thăm, bà Bảy Hường rất vui. Nhìn ra cửa, thấy chiếc xe lăn do ông mang đến, bà đã bật khóc nhận món quà từ tay ông.
Bà con chòm xóm nên ông Ba Sanh thường xuyên đến thăm ông Hai Tại (Xe lăn do ông ba Sanh vận động trao). |
Gần thập kỷ tham gia công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, ông Ba Sanh trở thành cầu nối yêu thương vận động, quyên góp giúp đỡ hàng ngàn đối tượng có hoàn cảnh kém may mắn, tổng giá trị quà tặng và tiền mặt mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, đợt dịch Covid 19 chưa từng có trong năm nay, ông Ba Sanh cùng địa phương vận động, duy trì hoạt động của phiên bản ATM gạo nghĩa tình đầu tiên ở Cà Mau. Ông Ba Sanh cũng đã vận động giúp cho hơn 500 người khuyết tật trong toàn tỉnh có được “đôi chân” để di chuyển trong nhà hay bán vé số mưu sinh.
Nhiều người không hiểu bảo ông gàn vì chuyên ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ. Mà họ nói có sai đâu. Mấy mươi năm qua, ông Ba Sanh luôn cố gắng làm ấm lòng người sống và yên lòng người chết.
Hoàn cảnh đơn chiếc, sau khi gả con gái, vợ chồng ông Ngô Văn Lý và Lê Thị Mỹ Hồng, Khóm 3, Phường 8 phải làm nhiều nghề để sống. Nửa năm trước, ông Lý không qua khỏi cơn bạo bệnh. Vốn hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa mới tốn khoản tiền trị bệnh cho chồng mấy chục triệu đồng nên lúc ông mất, bà Hồng không biết làm cách nào để lo cho chồng được mồ yên mả đẹp. Hay tin, ông Ba Sanh vội chạy xin áo quan và đồ tẩm liệm giúp gia đình bà Hồng lo tròn hậu sự cho ông Lý. Sau đám tang ông Lý, ông Ba Sanh tìm đến thắp nhang và dúi vào tay bà Hồng 200.000 đồng để bà mua gạo.
Cầm những đồng tiền mang hơi ấm tình người, bà Hồng xúc động: "Cảm ơn cậu 3 nhiều lắm. Ơn nghĩa của cậu với gia đình này không biết trả đến bao giờ cho xong". Ông Ba Sanh chỉ cười xoà và trao thêm niềm hy vọng: "Để tôi kết nối mạnh thường quân sửa lại căn nhà cho gia đình chị".
Suốt quãng thời gian dài, bước chân ông Ba Sanh đã in dấu nhiều vùng quê trên dải đất hình chữ S. Thầm lặng, không “tiếp thị” lòng tốt, cũng không theo trào lưu mà việc làm của ông đã lan toả yêu thương, gieo vô số hạt mầm sự sống. Giúp người với ông Ba Sanh cũng là cách để trả ơn cuộc đời, còn sức thì còn làm, giúp được ai thì cứ giúp./.
Đi nhiều, tuổi cao nên đôi chân thường xuyên đau nhức, nhưng người đàn ông giàu lòng nhân hậu ấy vẫn quyết tâm thực hiện tiếp “Bản cam kết nối dài sự thiện nguyện của tình người”.
Bích Lệ