(CMO) Hơn chục năm làm phóng viên, đồng nghiệp hay nói vui với tôi: “Mày có duyên với các cô chú lớn tuổi”. Trong những chuyến rong ruổi về với các xóm ấp xa xôi của mảnh đất Cà Mau, gặp không ít cán bộ ấp có thâm niên vài chục năm, nhưng lần về xã Phú Tân, huyện Phú Tân này, tôi phải ngỡ ngàng vì gặp một cán bộ Mặt trận ấp ở tuổi U90 mà thâm niên công tác lớn hơn cả tuổi đời của tôi. Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Phú Tân Võ Thị Ngọc Hân giới thiệu ngắn gọn: “Chú tên là Hồng Trung Sáng, 81 tuổi, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, thương binh 4/4”.
Đời vui khi còn công tác
Ngồi trước mặt tôi, ông Hồng Trung Sáng không khác gì dáng vẻ của một lão nông đã đến tuổi đại thọ. Thấy anh phóng viên trẻ nhìn mình có vẻ băn khoăn, ông Sáng chậm rãi mở lời: “Thiệt ra, chú cũng muốn để cho anh em lớp trẻ đảm nhận công tác. Ngặt nỗi anh em chưa chịu. Chú cũng đã hứa với tổ chức rồi, làm chừng nào hết nổi thì thôi. Giờ đi hơi chậm, nhưng còn đi được. Vả lại, làm công tác Mặt trận mấy chục năm rồi, nghỉ chắc buồn lắm”.
Anh Hồ Minh Cảnh, hộ cuối cùng thoát nghèo ở Cái Nước Biển vui mừng nhận nhà Đại đoàn kết và gởi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Hồng Trung Sáng. |
Tôi hiểu lời ông nói. Danh phận Trưởng ban công tác Mặt trận ấp đâu có to tát, bổng lộc gì để người ta nấn níu. Dáng đi của ông Sáng đã còng trong cơn nắng trưa. Ông cười hiền khô: “Đâu có biết chạy xe cháu ơi”. Dòng ký ức của ông về Cái Nước Biển là những con đường sình lầy, những nhánh sông chi chít rẽ hướng về cửa Mỹ Bình. Trời nắng lội bộ, trời mưa bơi xuồng. Cứ thế ông làm công tác Mặt trận suốt mấy chục năm không một ngày ngơi nghỉ. Éo le cái là khi Cái Nước Biển có lộ bê-tông dăm năm nay, ông cũng lội bộ tiếp, nếu có chuyến quá giang thì tốt. Công việc đột xuất, ông biểu con cháu chở mình đi. Không công việc lớn nhỏ nào trong ấp này thiếu bóng dáng ông.
Thời kháng Mỹ, ông là bộ đội của Quân khu 9. Chiến đấu qua nhiều trận đánh ác liệt tuyến lộ Vòng Cung (Cần Thơ), ông bị thương nhiều lần, có lần cái chết đã cận kề. Chưa hoà bình, năm 1971 ông đã giải ngũ về quê an dưỡng vì thương tật hành hạ. Khi về Cái Nước Biển, đất đai hoang hoá, quê hương bị bom đạn cày xới nát nhàu. Ông kể: “Tụi bên Hải Yến - Bình Hưng đóng đồn chân rết ngay đây. Tội ác ngút trời. Dân đi tứ tán chạy giặc. Sau giải phóng, vài nóc nhà lưa thưa”.
Dựng lại mái nhà, ông Sáng cầm phảng, cầm búa, cầm dao để khẩn hoang mấy chục công đất được cấp. Người bộ đội Cụ Hồ dù thương tích còn hành hạ vẫn quyết chiến thắng đói nghèo, lo lắng cho gia đình 5 đứa con nheo nhóc. Nói về chuyện làm ruộng ở Cái Nước Biển, ông Sáng bộc bạch: “Mình chú khai hoang, mỗi năm vài công, cấy lúa lấn tới hoài, riết rồi cũng được hơn 30 công”. Rồi xóm làng dần đông đúc. Cái Nước Biển thành xóm, thành ấp. Bà con tín nhiệm, tổ chức phân công ông làm công tác Mặt trận. Nói về chuyện này, ông trở nên phấn chấn: “Cháu thấy có ai công tác mấy chục năm là không tới, không lui như chú không?”.
Ở Cái Nước Biển, không nhiều người biết ông Sáng với tư cách là Trưởng ban công tác Mặt trận. Người dân chỉ nôm na hiểu, ông là “cán bộ lâu năm của ấp”, là một ông già mà đi tới đâu, làm dân thấy, nói dân tin, uy tín “cùng mình”. Với ông, làm công tác Mặt trận là phải đi, bởi “nằm ở nhà không thể hoàn thành công tác”. Niềm vui lớn nhất của lão “cán bộ” này là được đi để thấy đời sống bà con phát triển, thấy quê hương mình giàu đẹp từng ngày. Những chuyến đi của ông quanh Cái Nước Biển, có người góp lời bàn vui là “giáp mấy vòng trái đất”.
Hỏi ông, làm công tác Mặt trận vui nhất là điều gì? Ông thủng thẳng trả lời: “Là gần với bà con, hiểu được tâm tư, trăn trở của bà con. Từ đó, mình bàn bạc, đề xuất thêm với anh em trong ấp và cấp xã, tìm cách giúp đỡ từng người, từng chuyện”. Chỉ mới thời gian gần đây, ông Sáng mới nhận lương của Nhà nước theo đúng nghĩa, còn mấy chục năm, ông đi làm chỉ được hỗ trợ. Ít nhiều với người đàn ông ở tuổi 81 không còn là vấn đề quan trọng nữa. Hôm chúng tôi xuống thăm, ông lại tất tả chuẩn bị đi để lo tổ chức ngày hội Đại đoàn kết của Cái Nước Biển. Ông già buông một câu khiến ai cũng phải nghĩ suy: “Hưởng lương Nhà nước phải làm việc đàng hoàng chớ”.
Lời hứa với bác Hồ
Ấy là chuyến ông Sáng được ra Thủ đô để vinh danh cán bộ làm công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc năm 2005. Ông kể: “Dòng người vào Lăng viếng Bác dài lắm, dài mãi. Tôi hồi hộp vào viếng Bác. Thấy Bác nằm đó như ngủ thì nước mắt tự dưng trào ra”. Đó là chuyến đi đầu tiên, và theo lời ông Sáng “chắc cũng là lần cuối” được gặp Bác Hồ. Trong giây phút thiêng liêng ấy, ông Sáng đã tự hứa với lòng, sẽ nỗ lực làm thật tốt công việc của mình, sống vì cái chung.
Những cán bộ trẻ ở ấp Cái Nước Biển và cả xã Phú Tân đều coi ông Sáng là tấm gương noi theo, luôn tham khảo ý kiến của ông khi triển khai công việc. |
Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân Nguyễn Thống Nhất chia sẻ: “Chú Sáng là tấm gương cho cán bộ của ấp, của xã chúng tôi học tập, noi theo”. Ai không biết, chớ ông Sáng đã nói là làm, nói và làm đều chí tình, chí nghĩa và chí lý. Cũng chính ông Sáng đặt ra vấn đề: “Tại sao Cái Nước Biển vẫn còn nhiều hộ nghèo, biết chừng nào bà con hết vất vả”. Đi từng nhà, nắm từng hoàn cảnh, nán lại để trò chuyện, tâm tình, ông Sáng mạnh dạn đi đầu trong công tác xoá nghèo. Bởi vậy, đoàn công tác của huyện, của xã về đều gặp ông Sáng để nắm thêm thông tin, lắng nghe những điều ông trăn trở. Và rồi, đến năm 2020, ấp Cái Nước Biển chính thức xoá trắng hộ nghèo, mục tiêu vẻ vang mà sau đó là dáng lưng còng và mái đầu trắng xoá của ông già U90.
Nở nụ cười mãn nguyện, ông Sáng tiếp tục câu chuyện: “Xoá nghèo là bước đầu thôi, mai này, Cái Nước Biển sẽ là nông thôn mới nữa. Nông thôn mới là phải giàu hơn, đẹp hơn”. Anh Hồ Minh Cảnh, hộ cuối cùng của ấp Cái Nước Biển thoát nghèo, cầm tay ông già mà rưng rưng nước mắt: “Tụi con thoát nghèo là nhờ ơn lớn của bác”. Ông già xua tay: “Bây nói gì lạ. Thoát nghèo hay không là do mình, chớ người khác có giỏi bằng trời cũng không giúp nổi nghen”. Và rồi, ông già lại lui cui từ giã gia chủ đi về, dáng lưng còng hằn trong nắng gió.
Chuyện của ông già ở Cái Nước Biển có kể ngày, kể tháng cũng không hết. Nào là vợ chồng hục hặc, chỉ chịu giáp mặt làm hoà khi ông già lên tiếng. Chuyện hàng xóm giáp ranh, cự nự dẫn đến xô xát, ông già tới tằng hắng một tiếng, mọi chuyện êm ru. Rồi có những người nước mắt bù non, bù nước tới hỏi ông già một câu mà ai cũng phải hốt hoảng: “Giờ tụi con nghèo quá, khổ quá, phải là sao hả bác?”. Vậy mà ông già tỉnh rụi: “Bây về, nghèo thì lâu chớ giàu mấy hồi. Từ từ rồi tính”. Ông như cây đại thụ của Cái Nước Biển, toả bóng mát chở che, đầy yêu thương và tin cậy.
Trước khi từ giã về, ông già dặn chúng tôi rằng: “Tụi con có viết, đừng thêm thắt để bà con bàn tán. Có gì viết đúng sự thật”. Nhưng tiếc rằng, bài viết nhỏ này làm sao nói hết cống hiến thầm lặng của ông. Chúng tôi cũng muốn viết thêm gì đó, cho thật nhiều, thật xứng đáng và hơn hết là để nói cho tận cùng sự thật về một Trưởng ban công tác Mặt trận ấp đã tận tuỵ cả đời vì việc chung, vì nghĩa lớn.
Ngoài kia là con nước hối hả chảy về cửa Mỹ Bình. Chúng tôi hẹn ghé lại thăm ông khi Cái Nước Biển trở thành ấp nông thôn mới theo đà về đích băng băng của xã Phú Tân. Ông già cười, vẫy tay chào. Dáng lưng còng vẽ lên quê hương một nét đời rạng rỡ…
Phạm Quốc Rin