(CMO) Ngành giáo dục Cà Mau nêu cao tinh thần chủ động, linh hoạt, giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, bám sát yêu cầu và nhiệm vụ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 một cách xuyên suốt, nhất quán. Trong đó, nỗ lực của ngành giáo dục ở các địa phương, đặc biệt là ở những đơn vị trường học là điểm sáng cho quyết tâm ấy.
Linh hoạt vận dụng
Ðứng trước nhiều áp lực, ngành GD&ÐT huyện Trần Văn Thời đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, nằm trong các phương án đã được dự báo từ trước. Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Trần Văn Thời: “Việc thiếu giáo viên ở các bộ môn theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai khi nguồn tuyển giáo viên vô cùng khó khăn, số lượng thiếu hụt nhiều. Chúng tôi kêu gọi tinh thần chủ động, linh hoạt của các đơn vị trường học để tháo gỡ”.
Phương án đưa ra của ngành giáo dục Trần Văn Thời là vận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có. “Với những bộ môn đang thiếu như Tin học, Tiếng Anh, các trường học có thể hợp đồng giảng dạy với những giáo viên bộ môn của các trường lân cận, dù còn nhiều bất cập, vất vả cho giáo viên, nhưng đây là giải pháp khả dĩ làm được trong điều kiện hiện nay”, ông Bắc cho biết thêm.
Thầy giáo Mai Phương Ðông, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Nhà trường có 2 giáo viên Tiếng Anh, 1 ở điểm chính, 1 ở 2 điểm lẻ. Mình phải tăng giờ dạy để đảm bảo chương trình mới. Chưa bàn đến kết quả, nhưng làm sao để các em học theo đúng chương trình đã là cố gắng lắm rồi”.
Trường xoá điểm lẻ và học 2 buổi/ngày, nên dù khiếm khuyết đôi chân, nhưng ngày nào ông Trần Minh Xứng (ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Ðông) cũng đồng hành cùng cháu nội và 2 trẻ cùng xóm đến trường. |
Ngành giáo dục U Minh cũng không có cách nào khác là phải tận dụng tối đa con người đang có. Theo ông Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện U Minh: “Trước mắt vẫn là thỉnh giảng, dạy liên trường nhưng về lâu dài nếu không có nguồn tuyển dụng thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu các trường. Ðịa phương hiện thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh cả 2 cấp học theo quy định Chương trình GDPT 2018”.
Việc thiếu giáo viên đặt ra bài toán hóc búa cho các đơn vị trường học, thực hiện công tác thỉnh giảng, bố trí dạy tăng giờ để đảm bảo theo quy định là điều không thể khác. Ngành giáo dục U Minh đã phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2022-2023 trình UBND huyện phê duyệt để tuyển dụng đảm bảo cho các trường học. Nhưng đây là câu chuyện của tương lai.
Thầy Huỳnh Minh Ðương, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Trần Ngọc Hy, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, thông tin: “Thuận lợi của nhà trường là liên cấp, thế nên các giáo viên ở những bộ môn Tin học, Tiếng Anh thực hiện dạy liên cấp linh hoạt”. Với các môn tích hợp ở bậc THCS, Trường TH-THCS Trần Ngọc Hy cũng làm tương tự như những nơi khác là chia giáo viên dạy môn thành phần, tính điểm thành phần và sau đó tổng hợp thành kết quả học tập của học sinh. Theo thầy Trần Văn Chuộng, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Cách làm này dù là tình thế, nhưng tối ưu rồi, bởi giáo viên hiện nay không được đào tạo theo hướng giảng dạy này”.
Nhiều tâm tư
Cái gốc của mọi vấn đề vẫn là yếu tố con người. Những tâm tư của lĩnh vực giáo dục ở địa phương, các đơn vị trường học, đặc biệt là các thầy cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng cần được sẻ chia, thấu hiểu, và qua đó, cũng cần đổi mới về chế độ đãi ngộ, sự hỗ trợ tương xứng.
Một vấn đề tưởng chừng không liên quan đến Chương trình GDPT 2018, nhưng thật ra lại rất liên quan, đó là bậc học mầm non. Vì lý do nào đó, khi các bậc học bên trên có những chuyển biến mạnh mẽ, bậc học nền tảng mầm non vẫn ở đó với đầy trăn trở. Thực tế ở Cà Mau cho thấy, giáo viên mầm non không chỉ thiếu mà còn sụt giảm, nhất là sau tác động của dịch Covid-19. Ðây chỉ là một phép tính đơn giản ai cũng rõ: Mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non sau khi tốt nghiệp hiện tại chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng; đặc thù bậc học, giáo viên mầm non phải đi sớm, về trễ, dành phần lớn quỹ thời gian cho công việc, áp lực liên tục... Chưa kể những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn với bậc học này để theo xu thế đổi mới chung. Tất cả đều đổ dồn về phía giáo viên.
Cô giáo Lê Hồng Xiểm, phụ trách lớp mầm non 5 tuổi (điểm gởi tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời), thuộc Trường Mầm non Khánh Bình Ðông, cho biết: “Lớp gởi nhưng có 39 cháu, có 2 cô phụ trách, thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Mấy ngày nay, cô giáo kia bệnh, còn mình tôi đứng lớp, nên chỉ dạy 1 buổi/ngày”. Các bé mầm non vùng nông thôn đã thiệt thòi, lớp gởi càng thiệt thòi hơn. Phụ huynh bỏ công ăn, việc làm, thời gian để theo con, cháu đến trường. Những ngày học 2 buổi, cả cô giáo, học trò và phụ huynh nương náu tạm trước cổng trường, lót dạ nhanh bằng mì tôm, bánh mì hoặc cơm tự nấu mang theo để chờ buổi học chiều.
Do “học ké” trường tiểu học nên mọi hoạt động vui chơi, học tập của cô Lê Hồng Xiểm và học trò đều gói gọn trong lớp học này. |
Trở lại với câu chuyện cơ sở vật chất (CSVC) của ngành giáo dục Cà Mau, số trường đạt chuẩn của tỉnh (theo số liệu báo cáo thời điểm tổng kết năm học 2021-2022) là 336/501 trường. Tuy nhiên, không ít trong số đó đã đến thời gian quá 5 năm phải thực hiện quy trình công nhận lại, và nhiều trường khẳng định rằng sẽ tụt chuẩn vì CSVC không đảm bảo. Ví dụ sinh động tại huyện Trần Văn Thời, trong số 47/77 trường đạt chuẩn, một nửa số ấy, tức trên 20 đơn vị trường học rơi vào tình trạng này. Theo tính toán sơ bộ, toàn huyện Trần Văn Thời cần khoảng 32 tỷ đồng chỉ để cho các trường đạt chuẩn đảm bảo điều kiện công nhận lại, một con số không hề nhỏ.
Ở những trường không thể sửa chữa được nữa, như Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, có lẽ không còn thời gian để chờ. Bên cạnh nỗ lực đổi mới, một đề xuất tha thiết, chính đáng của giáo viên là sớm được xây dựng, nâng cấp CSVC để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Ðảm bảo điều kiện cơ bản cho việc giảng dạy, học tập ở các đơn vị trường học, dù trong bối cảnh nào, vẫn phải là ưu tiên cao nhất của ngành giáo dục.
Với tình hình hiện tại, những khó khăn của năm học 2022-2023 đã nêu không chỉ mang tính thời điểm, mà được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, các đề xuất kiến nghị, nhìn thẳng vào những bất cập thực tế sẽ giúp ngành giáo dục địa phương có cái nhìn toàn cục, những bước đi phù hợp, vững chắc tiến tới việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của mình. Nỗ lực ứng phó, cao hơn là những giải pháp sâu rễ, bền gốc, sát hợp với điều kiện thực tiễn của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành chủ quản giáo dục, chính là điều được mong mỏi nhất hiện nay./.
Quốc Rin - Băng Thanh
BÀI CUỐI: GIẢI PHÁP CỦA NGÀNH CHỦ QUẢN