Với lợi thế 3 mặt giáp biển, thời gian qua, không chỉ tập trung vào con tôm truyền thống, huyện Ngọc Hiển còn đẩy mạnh đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.
Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Ðến nay, mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận sinh thái của huyện có năng suất đạt từ 150 kg/ha/năm, sản phẩm tôm sinh thái được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, với giá bán cao hơn từ 5-10 ngàn đồng/kg so với tôm nuôi truyền thống.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn kết hợp nuôi cua đang được nhân rộng. Bình quân hộ nuôi cua kết hợp có thu nhập từ con cua mỗi năm hơn 40 triệu đồng/ha. Ðặc biệt, việc kết hợp nuôi sò huyết, cá bống mú, cá nâu trong vuông tôm giúp người dân tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên và tăng thêm thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Huyện Ngọc Hiển khuyến khích hộ dân nuôi tôm liền kề liên kết sản xuất để giảm giá thành đầu tư, tăng năng suất để vụ nuôi thành công.
Huyện Ngọc Hiển có 23.000 ha mặt nước chuyên canh để phát triển mô hình nuôi tôm, cua sinh thái. Mỗi năm huyện có hơn 35 ngàn tấn tôm, cua thương phẩm bán ra thị trường, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. “Ðịa phương nhận thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực thuỷ sản. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, huyện không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn chú trọng đến chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tôm, cua sinh thái và quy hoạch vùng nuôi là một trong những bước đi quan trọng để nâng cao vị thế của thuỷ sản Ngọc Hiển trên thị trường”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết.
Không chỉ con tôm, con cua, hiện nay tiềm năng từ con hàu cũng rất lớn. Huyện đang đề xuất quy hoạch 32 tuyến sông với chiều dài trên 182.000 m để phát triển mô hình nuôi hàu. Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Lâm, nếu được quy hoạch và phát triển tốt thì mỗi năm huyện có thể cung cấp hơn 40 ngàn tấn hàu thương phẩm cho thị trường, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Bên cạnh những thành công, Ngọc Hiển cũng đang đối mặt với một số thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, thiếu vốn đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ chưa đồng bộ.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho rằng, Ngọc Hiển có tiềm năng về lĩnh vực nuôi thuỷ sản rất lớn, song địa phương vẫn còn gặp khó khăn, đó là nông dân hoạt động sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa liên kết sản xuất để thu gom hàng hoá về một đầu mối để xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh thị trường, vừa đáp ứng được sản phẩm trong chế biến, vừa hạn chế việc phụ thuộc vào con nước.
Liên kết sản xuất còn là mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tiến đến giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Hồng Ðạm, chủ cơ sở sản xuất Châu Sang, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Cơ sở của chúng tôi hiện thu mua hơn 150 mặt hàng thuỷ sản của địa phương, từ tôm khô, mắm tôm chua, đến cá khô các loại, phân phối bán các sản phẩm chủ yếu qua trực tuyến, các kênh mạng xã hội. Chúng tôi đã xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... chứng tỏ chất lượng sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường".
Huyện Ngọc Hiển hiện có 29 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao, với các đặc sản như tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm chua, bánh phồng cua, bánh phồng hàu, ba khía muối, mắm cá sơn, đũa đước... Các chủ thể đã đầu tư máy móc, bao bì, nhãn mác và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
“Tới đây, chúng tôi tiếp tục liên kết sản xuất, hình thành các hợp tác xã, khuyến khích người dân có diện tích tôm nuôi liền kề liên kết để phát triển mô hình nuôi tôm, cua được chứng nhận an toàn, từ con giống đầu vào đến khâu tiêu thụ được kiểm tra chặt chẽ và hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý cho con tôm, con cua sinh thái của địa phương. Mục tiêu là hướng đến lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Ðồng thời, sẽ liên kết với công ty, xí nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn để chào hàng các đặc sản của địa phương, tạo kênh tiêu thụ ổn định cho bà con”, ông Trần Hoàng Lạc chia sẻ./.
Chí Hiểu