Qua hơn 15 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhiều nông dân Cà Mau có cách làm sáng tạo với nhiều mô hình mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập ngày càng cao. Trên hết, từ cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đến nay nhiều nông dân đã ý thức làm ăn tập thể, liên kết trong sản xuất từ đầu vào đến đầu ra…
Qua hơn 15 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhiều nông dân Cà Mau có cách làm sáng tạo với nhiều mô hình mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập ngày càng cao. Trên hết, từ cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đến nay nhiều nông dân đã ý thức làm ăn tập thể, liên kết trong sản xuất từ đầu vào đến đầu ra…
Ông Lê Văn Định, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Khi mới chuyển dịch sản xuất, gia đình sống chỉ bám vào cây lúa và con tôm, không có kỹ thuật, ít kinh nghiệm nên thu nhập từ 2 đối tượng này chưa thể làm giàu được. Được tập huấn, tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong trồng lúa, nuôi tôm, tôi thả luân canh thêm cua và tận dụng thời gian rảnh nuôi cá bống tượng, cá sấu nên thu nhập tăng từ vài chục triệu đồng/năm lên 200-300 triệu đồng/năm”.
Thay đổi tư duy
Trưởng ấp Phú Thạnh Nguyễn Văn Sự cho biết: “Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong ấp chỉ khoảng 20 triệu đồng, thì hiện nay là 35 triệu đồng. Kinh tế khấm khá, người dân có điều kiện hơn trong việc góp vốn cùng Nhà nước xây dựng lộ, hiến đất xây dựng trường học, trụ sở sinh hoạt văn hoá… Nhờ đó, nông thôn ngày càng khởi sắc, hình mẫu nông thôn mới cũng hình thành”.
Ông Nghiêm Phước Hùng trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình này được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng và phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập gia đình. |
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Văn Sáu nhận định: “Khi người dân bắt nhịp thực hiện đa canh thì thu nhập ổn định hơn. Xã đang chỉ đạo các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hiệu quả; liên kết các sở, ngành tiếp tục chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho người dân, từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập trên cùng diện tích”.
Ông Lê Thế Yên, ấp 7, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, một điển hình 5 năm đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi trên mô hình tôm - lúa kết hợp nuôi cua, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Khi chuyển sang mô hình mới, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, ông cũng có cách làm sáng tạo, nâng cao được năng suất cả lúa và tôm càng xanh. Ông Yên cho biết: “Nhận thấy con tôm càng xanh thích hợp ở mương sâu nên tôi đào thêm mương, sên vét kinh đảm bảo độ sâu, kết hợp trồng lúa và cho tôm ăn dặm với thức ăn là cá phi. Tôm mau lớn, hiện đạt trọng lượng 10-15 con/kg. Năm nay lợi nhuận thu được từ con tôm càng sẽ cao hơn những năm trước”.
Không còn cảnh tay xách, nách mang đi tìm kiếm sách vở, tài liệu kỹ thuật của mô hình mới từ tỉnh này đến tỉnh nọ như trước kia, nay nông dân đã biết cách chọn, tiếp cận các mô hình kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ngay trong ngôi nhà của mình qua internet. Cũng từ đây, kinh nghiệm, kỹ thuật mới được áp dụng trên mô hình cũ làm cho năng suất tăng lên theo từng năm.
Ông Trần Văn Phước, ấp Công Trung, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Nhờ tìm hiểu thông tin trên báo, đài, thấy trồng sậy trong vuông tôm rất hay, giúp cải thiện môi trường, phát hiện trùn chỉ có trong cỏ, cây mục nên 2 năm qua tôi áp dụng và nhận thấy tôm nuôi tập trung lại những đống cỏ mục dưới vuông tôm nhiều, lột vỏ và mau lớn. Sau 3 tháng nuôi, tôm đạt trong lượng 30-35 con/kg. Từ đó thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha. Thấy tôi làm hiệu quả, nhiều nông dân trong ấp cũng làm theo”.
Theo ông Phước, trước kia đa số nông dân trong ấp chỉ biết thả tôm rồi đặt lú bắt bán, theo thời gian thâm canh thêm cua và trồng thêm vụ lúa. Nếu không cắt vụ thả tôm, không chủ động và mạnh dạn thay đổi cách làm thì khó thành công trước sự biến đổi của môi trường hiện nay.
Với 60.000 con thẻ giống trên diện tích 2.500 m2, sau hơn 3 tháng nuôi, tôm đạt 56 con/kg, ông Nguyễn Nghĩa Bình, Tổ trưởng Tổ Hợp tác ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi thu được 1,3 tấn, giá bán 80.000 đồng/kg, tổng thu 140 triệu đồng, lãi 80 triệu đồng. Nhận thấy trong thời điểm khó khăn, giá tôm giảm, vật tư đầu vào tăng nhưng ông Bình nuôi vẫn có lãi cao nên 40 nông dân trong Tổ hợp tác ấp Công Điền đều chuyển sang loại hình nuôi thưa, chọn lọc những sản phẩm chất lượng, chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học… và kết quả lãi cao hơn nuôi dày như trước kia.
Năng động xây dựng nông thôn mới
Trên cánh đồng quen thuộc ngày nào, nông dân trong Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Minh Hà A sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Không còn lo lắng cảnh làm không công, lấy công làm lời như trước kia mà tất cả các khâu, quy trình sản xuất được doanh nghiệp đứng ra cam kết cung cấp vật tư đầu vào, ký kết hợp đồng bao tiêu lúa với giá cao hơn thị trường. Mô hình này đang mở ra một cung cách làm ăn mới cho tất cả người dân trong HTX hiện nay.
Ông Trương Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ ấp Minh Hà A, là người có nhiều nỗ lực trong việc tìm mối liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đưa mô hình liên kết 4 nhà trở thành hình mẫu cho nông dân, giúp xã viên của mình an tâm khi tham gia HTX. Ông Khoa cho biết: “Nông dân trong HTX giờ đây không còn lo lắng như trước kia, chỉ cần gắng sức chăm sóc lúa, làm theo hướng dẫn của kỹ sư. Tất cả vật tư đầu vào được Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang bao tiêu và cả đầu ra với giá bán cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg. Từ đó, bà con có lãi cao nên ai cũng phấn khởi”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến nhận định: “Hằng năm có trên 65% hội viên, nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Cụ thể, 5 năm qua có 770.000 hội viên đăng ký, kết quả có 315.000 nông dân đạt danh hiệu trên. Qua phong trào, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh nâng cao ý thức và tự phấn đấu vươn lên trong sản xuất. Mỗi hội viên đều xây dựng được mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, tích cực cùng với các cấp, các ngành phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh”. |
Ông Cao Chiến Thi, Giám đốc HTX, cho biết: “Từ lợi nhuận mà các xã viên HTX thu về, 35 triệu đồng/ha, chênh lệch 10 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài cánh đồng lớn, nông dân ngoài HTX thấy hiệu quả và xin gia nhập, từ 16 nay tăng lên 56 xã viên”.
Suy tính chặt chẽ, cẩn thận về hiệu quả mô hình mang lại, đầu ra sản phẩm và nhu cầu thị trường hiện nay là con đường dẫn đến thành công của ông Nghiêm Phước Hùng, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, với mô hình trồng thanh long ruột đỏ.
Ông Hùng cho biết: “Mặc dù có vốn để thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp nhưng không có trình độ, kỹ thuật thì chắc chắn tỷ lệ thành công sẽ không cao. Vì vậy, tôi quyết định phát triển và nhân rộng mô hình thanh long ruột đỏ. 1.200 gốc trên diện tích 13.000 m2 của gia đình tôi đang ở năm thứ 3, hiện tại tôi đã thu về trên 150 triệu đồng. Theo tính toán, đúng 4 năm, lợi nhuận được khoảng 500-600 triệu đồng là cầm chắc”.
Trong điều kiện khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, nông dân Cà Mau đã và đang từng bước thay đổi tư duy, nhanh chóng tiếp cận những kiến thức mới, kỹ thuật mới trong nuôi, trồng. Họ không chỉ năng động làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tích cực góp phần cùng địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2015, Cà Mau có 14 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của nông dân, hơn 80% dân số trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ