Huyện đoàn Ðầm Dơi khéo léo đưa mô hình dân vận khéo “Vườn rau, ao cá” đến với đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) và tạo được nhiều hiệu quả mang tính thực tiễn cao.
- Nhân rộng “Vườn rau gia đình”
- Vườn rau, ao cá học đường
- Thanh niên làm giàu
- Thanh niên Khmer làm kinh tế giỏi
- Ðiểm tựa giúp thanh niên lập nghiệp
Thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của huyện, Ban Thường vụ Huyện đoàn xây dựng Kế hoạch số 59-KH/HÐTN ngày 4/4/2024 về phát động phong trào thi đua thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi; vườn rau, ao cá; trồng cây xanh chống sạt lở đất năm 2024. Theo đó, trong năm, Huyện đoàn triển khai các tổ chức đoàn trực thuộc thực hiện mô hình dân vận khéo “Vườn rau, ao cá”. Các tổ chức cơ sở đoàn tích cực thực hiện, đến nay đạt kết quả thiết thực, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí cho ÐVTN.
Kết quả đáng ghi nhận là Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo Ðoàn cơ sở các xã, thị trấn phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động thực hiện việc trồng rau màu, cây ăn trái. Có hơn 3 ngàn ÐVTN trồng rau màu; hơn 400 ÐVTN trồng cây ăn trái.
ÐVTN dành thời gian học tập kinh nghiệm lẫn nhau để thực hiện mô hình hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn vận động các tổ chức đoàn trực thuộc và hộ gia đình ÐVTN thực hiện mô hình “Vườn rau, ao cá” nhằm cải thiện bữa ăn gia đình, nguồn thức ăn an toàn, tiết kiệm chi phí mua thực phẩm hằng ngày. Ðồng thời, thông qua mô hình còn tạo được sự gắn kết giữa các ÐVTN.
Chị Ðặng Thanh Nhàn, đoàn viên Chi đoàn cơ sở Trường Tiểu học An Lập (xã Quách Phẩm), cho biết, ngoài thời gian lên lớp, chị dành thời gian chăm sóc vườn rau tại nhà. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm một ao cá trê. Chị cho biết: “Các loại rau và cá thu hoạch hằng ngày đảm bảo cho gia đình tôi có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ. Bình quân gia đình tiết kiệm từ 20-50 ngàn đồng/ngày từ khi thực hiện mô hình này. Tôi và các đoàn viên khác cũng thường xuyên học tập lẫn nhau để nuôi trồng hiệu quả hơn”.
Sự tham gia nhiệt tình của ÐVTN giúp lan toả tinh thần thi đua, tạo ra không khí sôi nổi trong các hoạt động. Mô hình này đã góp phần gắn kết cộng đồng, tạo ra môi trường hợp tác giữa các hộ gia đình, các đoàn thể địa phương.
Anh Châu Văn Dỹ, Bí thư Huyện đoàn, cho biết: “Tuy trong quá trình thực hiện mô hình, một số nơi gặp khó khăn do bất lợi về khí hậu, thời tiết, nguồn nước tưới hạn chế, khiến việc trồng rau màu và nuôi cá gặp trở ngại; một số ÐVTN công tác và làm việc trên địa bàn huyện nhưng cư trú tại địa phương khác; một số ÐVTN không có điều kiện thực hiện mô hình (về đất trồng, thời gian...), nhưng kết quả đến nay vận động 100% đoàn viên tham gia”.
Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ vận động triển khai thực hiện thêm mô hình dân vận khéo là tham gia xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở, cần được xây mới, sửa chữa trên địa bàn huyện. Trước mắt, Huyện đoàn đăng ký thực hiện xoá 3 căn nhà trong năm 2025 và sẽ tiếp tục vận động, anh Dỹ cho biết thêm./.
Lam Khánh