(CMO) Những bất cập trong công tác khai thác, quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản không phải là chuyện mới, ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại hơn. Nhưng cho đến nay, “bài toán” này xem ra vẫn chưa tìm được lời giải thuyết phục. Đầu tư thì đã đầu tư, vi phạm phải xử phạt thì đã xử phạt... nhưng cuối cùng đâu cũng vào đấy.
Cần có giải pháp hiệu quả hơn
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Cà Mau có 4.576 tàu cá với tổng công suất 585.984 CV, trong đó có 1.960 tàu khai thác hải sản xa bờ (từ 90 CV trở lên) với tổng công suất 504.120 CV. Tuy nhiên, chúng ta cũng có 2.616 tàu cá có công suất dưới 90 CV, trong đó có 1.345 tàu công suất dưới 20 CV hoạt động tuyến bờ, đây chính là những phương tiện khai thác có nguy cơ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản nếu không được quản lý tốt.
Lực lượng kiểm ngư tuần tra phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. |
Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều tra, đánh giá hiện trạng tàu cá khai thác hải sản ven bờ, trong đó tập trung tàu cá có công suất dưới 20 CV trên địa bàn toàn tỉnh, để làm cơ sở xây dựng Đề án “Chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ cho ngư dân tỉnh Cà Mau đến năm 2020”, với mục tiêu giảm số lượng các nghề khai thác ven bờ, sát hại nguồn lợi thuỷ sản, góp phần phục hồi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để chuyển đổi ngành nghề hiệu quả là một vấn đề cần phải được đặt ra và giải quyết ổn thoả.
Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, đánh giá: “Thời gian qua, thực tế việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân chưa hiệu quả. Đơn cử như Nghị định 67 về một số chính sách phát triển kinh tế thuỷ sản, đây là hướng đi đúng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề, chỉ có những ngư dân có thực lực mới đáp ứng được nguồn vốn đóng mới, còn lại phần lớn không thể thực hiện được. Còn đổi nghề khác thì cũng phải có dịch vụ hậu cần hiệu quả để đáp ứng công ăn việc làm cho ngư dân, bởi phần lớn cuộc sống của họ gắn liền với nghề biển, không làm biển họ chẳng biết làm nghề nào khác…”.
Thực tế trong giai đoạn từ 2011-2016, toàn tỉnh đã đào tạo được 98 lớp cho 3.075 ngư dân nhằm trang bị đầy đủ các kiến thức về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, nắm rõ những quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trong khu vực khi ra biển hoạt động… nhưng mức độ hiệu quả thì vẫn chưa có ngành chức năng nào đứng ra thống kê, đánh giá. Trong khi đó, tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác thuỷ sản vẫn diễn ra và chưa có xu hướng giảm. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2011-2016, đã tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác, nuôi, chế biến hải sản vi phạm hành chính 4.763 vụ, thu phạt nộp vào ngân sách trên 31 tỷ đồng, trong đó có vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khai thác thuỷ sản.
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển. Đó là công tác quy hoạch, đầu tư, sắp xếp lại nghề khai thác biển theo hướng nâng cao hiệu quả được tập trung chỉ đạo thực hiện. Chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chuyển đổi ngành nghề khai thác gần bờ gây sát hại nguồn lợi thuỷ sản; tăng cường đào tạo, tập huấn nghề cho ngư dân; từng bước xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác biển. Tuy nhiên, để những định hướng và đầu tư trên phát huy hiệu quả thì cần ngành chức năng phải nghiêm túc vào cuộc, xử lý triệt để những bất cập thời gian qua để kinh tế biển thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cái cơ bản nhất cần giải quyết là đảm bảo đời sống của ngư dân gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Phát huy hiệu quả những dự án
Thực tế Cà Mau đã đầu tư rất lớn để phát triển nghề cá, đặt biệt là phát triển kinh tế biển. Đã và đang đầu tư, triển khai các dự án cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: Dự án Cảng cá Cà Mau (Cảng cá loại II) với tổng mức đầu tư 38.971 triệu đồng; với quy mô lượng thuỷ sản qua cảng 10.000 tấn/năm; Dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cảng cá loại I): Tổng mức đầu tư 67.946 triệu đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009 với 71 cơ sở đang hoạt động kinh doanh tại cảng. Hiện nay, đang nâng cấp cơ sở hạ tầng Cảng cá Sông Đốc bằng nguồn vốn WB và vốn ngân sách tỉnh đối ứng do Ban Quản lý Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Cà Mau làm đại diện chủ đầu tư. Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (trú bão cấp vùng): Tổng mức đầu tư 37.817 triệu đồng, quy mô phục vụ neo đậu trú bão cho 1.000 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản có công suất từ 50-600 CV, đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008. Ngoài ra, còn nhiều dự án đã và đang triển khai như Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, xã Khánh Hội, huyện U Minh (trú bão cấp tỉnh); Dự án xây dựng Bến cặp tàu Bãi Nhỏ và Đường tuần tra trên đảo Hòn Khoai... những dự án trên cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo nơi trú, tránh cho tàu thuyền; phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của tỉnh.
Đầu tư tàu khai thác thuỷ sản xa bờ tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. |
Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của những dự án này chưa thực sự rõ ràng… Ông Lâm Văn Phú nhận xét: “Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được vấn đề dân sinh, ổn định cuộc sống cho người nghèo ven biển, tạo được cơ sở hậu cần nghề cá ổn định để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương có biển thì tình hình vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản mới có thể giảm, kinh tế biển mới có thể phát triển. Nếu chuyển đổi ngành nghề thì phải lựa chọn những nghề phù hợp, có tính ổn định, tạo thu nhập lâu dài gắn liền với nguồn lợi từ biển thì khi ấy người dân sẽ tự ý bảo vệ, chứ không cần phải tuyên truyền”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là ngành chức năng cần sớm giải quyết tình trạng nuôi, khai thác hải sản manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô hộ gia đình; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cần đẩy mạnh công tác rà soát các chương trình, kế hoạch, dự án đang thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Điều tra có hệ thống, từ đó đề ra những chương trình, dự án mang tính bền vững và hiệu quả. Một vấn đề cơ bản hiện nay là cần tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận cho ngư dân; tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động nghề cá.
Luật Thuỷ sản hiện nay nhiều quy định không còn phù hợp, chưa chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển và quản lý nguồn lợi hải sản. Các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản nguồn lợi hải sản, làm căn cứ để các địa phương xây dựng quy hoạch, chương trình, kế hoạch chuyển đổi nghề, phát triển khai thác, nuôi, chế biến hải sản gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh./.
Bài và ảnh: Đặng Duẩn