Xã Trí Lực (huyện Thới Bình) nay có nhiều thay đổi về kinh tế, an ninh xã hội ổn định nhờ mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp canh tác và công nghệ số.
- Sức vóc Trí Lực
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành xây dựng nông thôn mới
- Công nghệ số - Ðòn bẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương
Xã Trí Lực có 5 ấp, 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer (trong đó, dân tộc Khmer 67 hộ/231 khẩu; dân tộc Hoa 2 hộ/10 khẩu). Cơ cấu kinh tế gồm nông nghiệp (chiếm 85%) và tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ (chiếm 15%).
Trí Lực có thế mạnh lúa - tôm, với nhiều mô hình hiệu quả. Nổi bật như, trong năm 2023, mô hình nuôi tôm càng xen canh kết hợp trồng lúa đạt năng suất 250 kg/ha; mô hình liên kết nuôi tôm sú chứng nhận Tiêu chuẩn Quốc tế (ASC) đạt năng suất 400 kg/ha; mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm cũng đạt kết quả cao, với năng suất 5 tấn/ha. Vào cuối tháng 8/2024, Dự án "Trồng lúa kết hợp với nuôi thuỷ sản có trách nhiệm ở đồng bằng sông Cửu Long" giai đoạn 2, do Công ty TNHH Xã hội Tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) triển khai tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình đã kết thúc. Kết quả, 83 hộ dân tham gia với hơn 165 ha sản xuất đạt chứng nhận ASC.
Mô hình nuôi tôm càng xen canh kết hợp trồng lúa 2 vụ được người dân tích cực áp dụng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện xã có hơn 2.900 ha sản xuất tôm - lúa thực hiện Chứng nhận ASC, đã đạt trên 1.009 ha, dự kiến cuối năm nay xã có thêm 700 ha đạt chứng nhận này. Ðây là xác nhận cấp quốc tế đối với thuỷ sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Mô hình tôm - lúa khẳng định là một trong những mô hình bền vững thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH). Người dân tích cực thực hiện theo quy trình, sử dụng chế phẩm sinh học, sản phẩm làm ra đạt năng suất, chất lượng hơn. Sắp tới, chúng tôi đã có kế hoạch nâng cao năng lực chỉ đạo thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, các giải pháp chỉ đạo sản xuất trong điều kiện BÐKH. Ðây là chủ đề quan trọng, mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của xã, đặc biệt trong bối cảnh BÐKH ngày càng phức tạp, vấn đề mất đa dạng sinh học, suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên và sản xuất nông nghiệp đang là thách thức lớn đối với huyện Thới Bình nói chung và xã Trí Lực nói riêng”.
Dự án Trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở ĐBSCL giai đoạn 2 đạt hiệu suất rất cao.
Song hành với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xã quan tâm công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Ðặc biệt, việc áp dụng công nghệ trong quản lý ANTT đạt hiệu quả.
Theo đó, mỗi ấp đều có một nhóm Zalo để thông báo, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, các nhóm này cũng là nơi tố giác các tệ nạn xã hội đã và đang diễn ra, giúp cơ quan chức năng theo dõi và ngăn chặn nhanh chóng, kịp thời.
Thanh niên thông tin, tuyên truyền cho nhau cách sống đẹp, chung tay phòng chống tệ nạn xã hội qua các nhóm Zalo.
Anh Sơn Song, Trưởng ấp Phủ Thờ, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng 16 tổ ANTT; vận động Nhân dân ở những điểm nóng nắm bắt những đối tượng xấu; tạo điều kiện cho việc dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Thông qua nhóm Zalo, các tổ tự quản, ấp dễ dàng nắm tình hình ANTT trên địa bàn. Ấp quản lý tốt các thanh thiếu niên tụ tập trong đêm, xóm làng không còn xảy ra tệ nạn xã hội”.
Thời gian gần đây, mô hình này mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Ðiển hình như, trong thời gian diễn ra sự kiện tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các thế lực thù địch sử dụng công nghệ AI để xuyên tạc và chống phá Ðảng, Nhà nước. Nhờ các trang thông tin chính thống của xã và các nhóm Zalo, chính quyền địa phương phản bác kịp thời, để người dân định hướng và nhận định được ngay từ đầu về tin giả, tin thất thiệt.
Ông Hà Minh Sữa cho biết thêm: “UBND xã tạo 5 nhóm Zalo cộng đồng cho 5 ấp. Mỗi hộ đều tham gia thành viên nhóm của ấp đó. Zalo này chỉ một chiều, phục vụ công tác tuyên truyền đến từng người dân để họ nắm bắt thông tin cũng như tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của xã. Trưởng các ấp sẽ là trưởng các nhóm Zalo này. Một gia đình ở xã có ít nhất 3 smartphone, nên thông tin được lan toả rộng rãi và nhanh chóng, góp phần tác động tích cực đến người dân trong đánh giá, nhận định các sự kiện, vấn đề”./.
Hồng Thắm