Nghề chế biến tôm khô ở Cà Mau có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, có nhiều thương hiệu lớn, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi hương vị rất riêng, hấp dẫn. Năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận nghề này là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
- Nghề làm tôm khô Cà Mau
- Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
- Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm tôm khô
- Tôm khô vào vụ Tết
Toàn tỉnh Cà Mau có hàng trăm cơ sở chế biến tôm khô quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung nhiều ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi. Mỗi năm Cà Mau cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn tôm khô, mang về lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, góp phần tăng ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Xin được điểm qua một số cột mốc đáng nhớ, đã đưa sản phẩm tôm khô Cà Mau lên ngôi:
Tháng 9/2012, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận tôm khô Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển là thương hiệu độc quyền.
Năm 2012, mặt hàng tôm khô Rạch Gốc được tỉnh Cà Mau chọn làm đại diện sản phẩm của tỉnh tham dự Chương trình Kết nối doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối, tiến tới hợp tác phân phối, tiêu thụ sản phẩm, do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Sau chương trình này, nhiều doanh nghiệp, trong đó tiêu biểu là Saigon Co.op, đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm và góp ý điều chỉnh hình thức, mẫu mã. Ðây là khách hàng tiềm năng lớn vì có các siêu thị phân phối khắp cả nước.
Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận nghề chế biến tôm khô Cà Mau là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian).
Hiện nay, sản phẩm tôm khô Cà Mau không chỉ được cộng đồng trong tỉnh mà còn lan toả nhiều địa phương khác trong nước và nước ngoài.
Tôm khô Cà Mau có 2 loại chính, là tôm khô sông và tôm khô biển. Tôm khô biển được làm từ tôm biển, chúng đa dạng về chủng loại nhưng giá rẻ, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng bình dân. Cơ sở chế biến tôm khô Kim Thảo và Chí Tâm, thuộc huyện Ngọc Hiển, đại diện cho thương hiệu tôm khô biển này. Tôm khô sông được làm từ con tôm đất sống tự nhiên trong các kênh, rạch trong rừng ngập mặn, đây là loại tôm khô ngon nhất và có giá đắt nhất trên thị trường. Quy trình chế biến tôm khô từ con tôm đất rất công phu và cầu kỳ, để vừa có chất lượng ngon, vừa có hình thức đẹp, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cao cấp. Ðại diện cho thương hiệu này là Cơ sở Ngọc Giàu và Sông Ðầm của huyện Ðầm Dơi.
Các cơ sở chế biến tôm khô nêu trên đều có truyền thống lâu đời, gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề, họ luôn kết hợp giữa truyền thống (bí quyết nghề) và hiện đại (đầu tư cơ sở vật chất) để sản phẩm không ngừng nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, khẳng định thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nhiều địa phương ven biển của nước ta, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cũng có tôm khô nhưng không ở đâu sánh với con tôm khô Cà Mau, bởi thịt tôm Cà Mau vừa thơm, vừa dai, vừa ngọt... kết hợp với sắc đỏ cam tự nhiên bắt mắt đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng.
Cảnh xổ vuông thu hoạch tôm quảng canh vùng ven biển Cà Mau.
Quy trình rửa tôm nguyên liệu của Cơ sở tôm khô Chí Tâm (huyện Ngọc Hiển).
Quy trình luộc tôm khô truyền thống của Cơ sở tôm khô Kim Thảo (huyện Ngọc Hiển).
Quy trình phơi tôm khô “Một sương hai nắng” của Cơ sở Ngọc Giàu (huyện Ðầm Dơi).
Sản phẩm được hút chân không, đóng gói, mẫu mã đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
An Thuyên